Trung Quốc 'siết' cửa khẩu, hàng vạn tấn thanh Long gặp khó

Quế Hà
Quế Hà
01/09/2021 06:06 GMT+7

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bình Thuận , riêng tháng 8.2021, tỉnh này thu hoạch khoảng 35.000 tấn và dự kiến 9 thêm 30.000 tấn thanh long, nhưng việc tiêu thụ đang gặp khó do ảnh hưởng dịch Covid-19 .

 
Trong đợt thu hoạch thanh long tháng 8.2021 (tính đến ngày 25.8), sản lượng thanh long của riêng H.Hàm Thuận Nam (nơi có sản lượng lớn nhất tỉnh Bình Thuận) thu hoạch trên 12.000 tấn. Dự kiến sang đầu tháng 9, thu hoạch thêm khoảng 8.000 tấn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND H.Hàm Thuận Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển thanh long bằng đường bộ gặp khó khăn.

Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long

QUẾ HÀ

Nhiều nơi cắt bỏ cả vườn

Tính đến ngày 27.8, trên địa bàn H. Hàm Thuận Nam còn tồn khoảng 3.000 tấn không tiêu thụ được. Nhiều vựa thu mua đóng cửa, khiến cho giá thanh long giảm mạnh (giá hàng mùa: 4.000 đồng/kg và hàng chạy điện: 7.000 đồng/kg). Phòng NN-PTNT H.Hàm Thuận Nam cho biết, nhiều nhà vườn do không bán được nên đã cắt bỏ cả vườn, thiệt hại cho nông dân rất lớn.
Trong khi đó, theo thống kê của Phòng kinh tế H.Hàm Thuận Nam, thời điểm này chỉ còn khoảng 80/300 cơ sở thu mua thanh long trên địa bàn còn hoạt động với lượng thu mua xuất khẩu chưa bằng 50% cùng kỳ năm trước. Sản lượng thanh long còn ứ đọng hàng chục ngàn tấn chưa tiêu thụ được. "Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch Covid-19. Mặt khác, do phía chợ đầu mối bên biên giới Trung Quốc áp đặt các biện pháp chống dịch Covid-19 rất khắt khe hơn. Hiện có công ty xuất bằng đường biển, nhưng thời gian dài ngày hơn đi đường bộ", lãnh đạo Phòng kinh tế H.Hàm Thuận Nam cho hay.

Đóng thanh long lên xe container xuất đi Trung Quốc, tại H.Hàm Thuận Nam ( Bình Thuận)

QUẾ HÀ

Ông Phan Văn Tấn- Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, hiện nay đang vào vụ thu hoạch thanh long, nhưng rơi đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khiến khâu vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn cả đường bộ và đường biển. Điều này đang tác động không nhỏ đến vấn đề tiêu thụ thanh long của nông dân. Trong tháng 8, sản lượng thu hoạch cả tỉnh Bình Thuận chỉ đạt 35.000 tấn, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Do nông dân vặt bỏ bớt trái vì sợ tốn công chăm sóc mà không bán được sẽ lỗ nặng. Vì lượng người mua ít, nên giá thanh long đang rất thấp, chỉ từ 4.000 -7.000 đồng/kg.
“Sang tháng 9, sản lượng toàn tỉnh tiếp tục thu hoạch khoảng 30.000 tấn nữa. Nhưng chúng tôi đang rất lo đầu ra vì việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng đang rất cam go vì dịch Covid-19”- ông Tấn lo ngại.

Phập phồng giao phương tiện cho tài xế Trung Quốc

Bà Nguyễn Thị Ngọc, một chủ doanh nghiệp (DN) ở H.Hàm Thuận Nam có đoàn container thường chở thanh long đi Trung Quốc cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó. "Nhất là khi đến Trung Quốc, phải giao xe cho tài xế phía họ lái vào nội địa rất phiền phức. Cách làm này vừa mất thời gian, vừa tăng thêm chi phí vận chuyển nên DN không có lãi nữa. Chưa kể để có được giấy phép cho xe vận chuyển hàng hóa khó khăn với quãng đường dài từ Bình Thuận đến Lạng Sơn tốn rất nhiều loại phí", bà Ngọc cho biết.
“Bây giờ ngay cả kiếm tài xế chạy xe container cũng khó, vì họ cũng lo ngại dịch Covid-19 không muốn chạy. Tuy nhiên, do lỡ đóng hàng rồi phải chạy, không thì thanh long trong kho lạnh để lâu hư hết”- bà Ngọc nói thêm.

Xe container bị hư hỏng sau khi lái xe phía Trung Quốc lái giao hàng trong nội địa rồi quay lại trả xe cho phía Việt Nam 

CTV

Anh Nguyễn Hiền, một chủ DN vận tải ở TP.Phan Thiết, chuyên chở thanh long đi Trung Quốc, cho biết thủ tục giao xe cho phía Trung Quốc lái vào nội địa của họ rất phiền phức do tài xế không quen điều khiển container. "Giao phương tiện có giá trị lớn cho họ chạy mình không kiểm soát được, họ không có trách nhiệm. Tôi có hai container giao cho họ lái đi, khi trả xe về thấy xe mình móp nát hết đầu, nhưng không biết ai bắt bồi thường. Vì tai nạn xảy ra ở bên Trung Quốc nên bảo hiểm bên mình không bồi thường, nên đành chịu thiệt thòi. Không phải chỉ mình tôi, mà nhiều nhà xe chở thanh long khác bị như vậy rồi, không ai giải quyết  bồi thường đâu”- anh Hiền kể.

Xe chờ thông quan ở bãi xe thuộc cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, ngày 31.8.

CTV

Theo ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, trong thời điểm này dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều DN xuất thanh long đi Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới ở Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn... "Tuy nhiên, do yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt hơn từ phía Trung Quốc, các phương tiện chở nông sản xuất khẩu nói chung, trong đó có thanh long, khi đến biên giới thì phải giao cho đội tài xế dịch vụ vận chuyển vào bãi tập kết. Sau đó, tiếp tục giao xe một lần nữa cho đội tài xế dịch vụ của Trung Quốc lái xe đi giao hàng. Giao hàng rồi họ mới lái xe quay trở lại bãi xe biên giới trả xe cho phía Việt Nam", ông Tài cho biết.
Ngày 31.8, đại diện Sở Công thương Bình Thuận cho biết, hiện nay các loại phương tiện chở trái cây đang tập trung tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để làm thủ tục xuất sang Trung Quốc, trong đó có khoảng 50% thanh long, bình quân khoảng 160 xe/ngày. Từ 17 giờ ngày 26.8, phía Trung Quốc đã cho tạm dừng thông quan tại cửa khẩu phụ Cốc Nam (Lạng Sơn) do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thống kê của Sở Công thương Bình Thuận cho biết, từ ngày 19.7 đến 26.8, tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn xuất được 4.189 xe thanh long, đạt 83.780 tấn. “Hiện cửa khẩu Tân Thanh còn 161 xe thanh long chưa thông quan, với số lượng như vậy là bình thường, không phải ùn ứ”- ông Biện Tấn Tài nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.