Trung Quốc siết quy định đối với công ty IPO ở nước ngoài

25/12/2021 09:47 GMT+7

Trung Quốc vừa đưa ra dự thảo quy định mới siết chặt việc phát hành cổ phiếu của các công ty tại sàn chứng khoán nước ngoài nhằm tránh nguy cơ an ninh quốc gia.

Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CRSC) ngày 24.12 công bố trên website những đề xuất quy định mới liên quan đến hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các công ty trong nước tại sàn chứng khoán nước ngoài.

Theo Bloomberg, toàn bộ các công ty Trung Quốc muốn IPO và bán thêm cổ phiếu ở nước ngoài đều phải đăng ký với CRSC. Theo đề xuất, các công ty bị cấm bán cổ phần nếu việc niêm yết ở nước ngoài gây đe dọa an ninh quốc gia. Những công ty có hoạt động gây lo ngại về an ninh mạng cũng sẽ phải được rà soát an ninh trước khi bán cổ phần.

Người giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán New York

Reuters

Các công ty liên quan đến tranh chấp lớn về tài sản hoặc công nghệ cốt lõi trong nước cũng bị cấm “lên sàn” ở nước ngoài. Các công ty sử dụng mô hình Thực thể có lợi ích biến đổi (VIE) cũng cần đáp ứng các yêu cầu nhất định để IPO ở nước ngoài.

Do Trung Quốc có quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào các ngành nhạy cảm như truyền thông, viễn thông, công nghệ, nên các công ty Trung Quốc thường sử dụng mô hình VIE để gọi vốn ở nước ngoài.

Theo đó, công ty Trung Quốc sẽ lập một công ty ở nước ngoài để niêm yết và cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào đó. Công ty nước ngoài này sẽ có nhiều hợp đồng với công ty gốc ở Trung Quốc để được chia lợi nhuận nhưng không nắm cổ phần sở hữu trực tiếp.

Hầu hết các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba hay JD.com đều sử dụng VIE để niêm yết ở nước ngoài.

Theo đề xuất quy định mới, chính quyền Trung Quốc có thể ra lệnh cho công ty thanh lý tài sản hoặc hoạt động kinh doanh nếu việc niêm yết ở nước ngoài gây đe dọa an ninh quốc gia.

Những thay đổi này là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm gia tăng kiểm soát hoạt động niêm yết ở nước ngoài từ sau khi hãng dịch vụ gọi xe Didi thực hiện vụ IPO 4,4 tỉ USD tại New York hồi tháng 7 bất chấp những lo ngại của giới quản lý.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy các công ty Trung Quốc đã huy động được 12,8 tỉ USD từ việc niêm yết tại Mỹ trong năm 2021. Tuy nhiên, nguồn vốn này bị giảm lại từ sau vụ IPO của Didi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.