Các công ty áp dụng Mô hình sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity, gọi tắt là VIE) đang bị cơ quan quản lý của Mỹ và Trung Quốc tăng cường giám sát, làm dấy lên lo ngại về khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến về việc phân ly thị trường tài chính, theo tờ The Wall Street Journal đưa tin ngày 30.9.
Trung Quốc hạn chế đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực được coi là nhạy cảm, chẳng hạn như dịch vụ internet. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã áp dụng mô hình VIE để được niêm yết và tiếp cận nguồn đầu tư nước ngoài trong khi nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận cổ phiếu từ Trung Quốc.
Theo đó, công ty Trung Quốc sẽ mở một công ty bình phong ở thiên đường thuế, chẳng hạn như Quần đảo Cayman (thuộc Anh). Công ty Trung Quốc ký hợp đồng chia sẻ lợi nhuận và kiểm soát cho công ty bình phong. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giữ cổ phần trong công ty bình phong và được chia sẻ lợi nhuận nhưng trên thực tế không nắm quyền sở hữu công ty tại Trung Quốc.
Mô hình VIE được Enron Corp (Mỹ) sử dụng vào khoảng 20 năm trước nhưng cho mục đích che giấu các khoản nợ lớn và tránh phải kê khai các khoản nợ này trên báo cáo tài chính. Sau khi công ty này bị phát hiện và vỡ nợ, mô hình này vô tình được biết đến rộng rãi và được các công ty Trung Quốc sử dụng để né quy định về đầu tư nước ngoài.
Năm 2000, Sina Corp., một cổng thông tin trực tuyến, đã niêm yết thành công trên sàn Nasdaq (Mỹ) bằng cách sử dụng VIE và nhiều công ty khác đã làm theo. Alibaba, Didi Global và hầu như toàn bộ công ty internet của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đều sử dụng mô hình VIE để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, né lệnh cấm của Trung Quốc về đầu tư nước ngoài trong các công ty thuộc lĩnh vực nhạy cảm trong nước. Tổng vốn đầu tư mà các công ty Trung Quốc kêu gọi tại Mỹ lên đến hàng chục tỉ USD.
Tuy nhiên, mô hình VIE gần đây bị giới chức cả hai nước gia tăng giám sát. Ông Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) mới đây cảnh báo các nhà đầu tư Mỹ cần nhận thức được rủi ro khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc áp dụng mô hình VIE. Ông cho rằng các công ty bình phong này huy động vốn trên sàn giao dịch Mỹ nhưng theo hợp đồng lại không thật sự trao quyền sở hữu điều hành công ty cho các nhà đầu tư Mỹ.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về mô hình này và gần đây tăng cường giám sát việc các công ty trong nước niêm yết ở nước ngoài, sau vụ Didi “lên sàn” tại New York bất chấp đề nghị phải trì hoãn của cơ quan quản lý Trung Quốc.
Theo The Wall Street Journal, Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc đang điều phối nỗ lực của nhiều cơ quan nhằm soạn thảo quy định cho phép nhà chức trách quản lý việc niêm yết của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài thông qua cấu trúc bình phong. Từ sau vụ Didi, các cuộc niêm yết của các công ty Trung Quốc tại Mỹ hầu như ngừng lại. Một số công ty khác chuyển hướng sang Hồng Kông trong khi số khác trong tình trạng “đứng hình”.
Bình luận (0)