Trung Quốc tăng cường tư pháp độc lập

31/10/2013 03:25 GMT+7

Tòa án các cấp ở Trung Quốc được yêu cầu xét xử độc lập và phản kháng mọi áp lực từ chính quyền địa phương hoặc những bộ ngành khác.

 Trụ sở TAND cấp cao tỉnh Sơn Đông ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Trụ sở TAND cấp cao tỉnh Sơn Đông ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Trong một chỉ thị đăng trên website ngày 28.10, TAND tối cao Trung Quốc yêu cầu các tòa án cấp dưới không được để các cơ quan hành pháp cũng như tiền bạc và những mối quan hệ tác động đến phán quyết của họ. “Các thẩm phán phải tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật trong việc xử lý các vụ án và không thể phá luật vì bất kỳ lý do nào”, tờ China Daily dẫn phát biểu của Chủ nhiệm Vụ Nghiên cứu của TAND tối cao Trung Quốc Hồ Vân Đằng.

“Kiên quyết thực hành sự độc lập của tòa án dựa trên các nguyên tắc hiến pháp và kiên quyết chống lại mọi hình thức cục bộ địa phương và bộ ngành”, chỉ thị nêu rõ. Theo tờ China Daily, chỉ thị yêu cầu mỗi tòa án phải hoàn thiện cơ chế quy trách nhiệm để tránh tối đa những vụ án oan sai và TAND tối cao Trung Quốc sẽ sớm đưa ra hướng dẫn để ngăn chặn vấn nạn này.

Chống can thiệp

Việc xây dựng nền tư pháp độc lập được đánh giá là nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi vấn nạn cục bộ địa phương tại Trung Quốc, nơi thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước bí thư đảng các cấp và hưởng lương từ nguồn ngân sách địa phương. Do vậy, động thái của TAND tối cao Trung Quốc được đón nhận với thái độ lạc quan về mặt quyết tâm xen lẫn hoài nghi về giải pháp thực thi. Bà Lưu Lệ, thẩm phán thuộc TAND quận Triều Dương ở Bắc Kinh, hoan nghênh chỉ thị của cấp trên, nói rằng việc xét xử độc lập là cách để cải thiện quyền tư pháp và công lý. “Cách đơn giản nhất để loại bỏ sự can thiệp là tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp”, tờ China Daily dẫn lời bà Lưu.

Việc xét xử độc lập là chìa khóa để tăng cường chất lượng công tác tư pháp và tránh những vụ án oan sai, theo bà Lưu. Tuy nhiên, bà Quách Nhai, một viên chức tòa án ở Phúc Kiến, tỏ ra lo ngại về giải pháp thực hiện chỉ thị. “Các thẩm phán ở những vùng sâu vùng xa dễ bị chi phối khi xử một số vụ kiện hành chính vì đôi khi công việc của chúng tôi cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”, bà Quách nói. Vì vậy, khó có thể nói mọi phán quyết, đặc biệt trong tranh chấp đất đai, được xét xử công bằng, bà Quách nhận xét.

Giáo sư luật Dương Vĩ Đông thuộc Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc, chia sẻ lo ngại của bà Quách, nói rằng việc xét xử độc lập là nhiệm vụ lớn không chỉ cần đến nỗ lực của các thẩm phán mà còn của cả những bộ ngành khác. “Hiện nay, ngân sách tòa án đến từ nguồn ngân sách địa phương, điều này có thể chi phối sự công bằng tư pháp ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, làm sao để tách bạch hai cái đó là việc quan trọng để có được phán quyết độc lập”, ông Dương nói.

Cải cách “chưa từng thấy”

Theo tờ Times of India, vấn đề độc lập tư pháp nhiều khả năng sẽ được thảo luận tại hội nghị lần 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 9 -12.11. Đây là hội nghị quan trọng, dự kiến xem xét thông qua những cải cách sâu rộng về kinh tế và xã hội. Cuối tuần trước, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh hứa sẽ có những cải cách kinh tế và xã hội “chưa từng thấy” trong dịp này. Mới đây, Trung tâm nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc cũng đã công bố một loạt đề xuất cải cách trải rộng trên 8 lĩnh vực: tài chính, thuế, đất đai, tài sản nhà nước, an sinh xã hội, đổi mới, đầu tư nước ngoài và làm trong sạch bộ máy hành chính. Báo cáo của cơ quan này còn kiến nghị thực hiện những thay đổi nhạy cảm như phá thế độc quyền nhà nước và đẩy nhanh cải cách đất đai.

Các cải cách là một phần nỗ lực chống tham nhũng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động tại nước này sau khi nhậm chức. Trong lịch sử, hội nghị lần 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc các khóa thường là bệ phóng cho các cải cách kinh tế và xã hội quan trọng. Trước đây, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng phát động cải cách tại hội nghị lần 3 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 nhằm vực dậy nền kinh tế sau Cách mạng Văn hóa.

Sơn Duân

>> Quan chức pháp y Trung Quốc từ chức trước phiên xử Bạc Hy Lai
>> Trung Quốc tràn lan sách trẻ em nội dung bạo lực, khiêu dâm
>> Chiến dịch 'diệt hổ đập ruồi' tham nhũng ở Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.