Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 8, riêng cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 61 triệu USD, tăng 37% so với tháng trước, cao gần gấp đôi so với doanh số vào thị trường Mỹ. Bước sang tháng 9, toàn ngành đạt tốc độ tăng trưởng đến 97%, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam nói chung với giá trị lên đến 153 triệu USD.
Theo một số doanh nghiệp, các loại tôm cỡ lớn cũng là những mặt hàng tiêu thụ mạnh ở thị trường Trung Quốc |
Chí Nhân |
Các số liệu thống kê từ cơ quan chức năng Trung Quốc cũng cho thấy thị trường này đang phục hồi mạnh mẽ. Tháng 7, nước này nhập khẩu một lượng tôm kỷ lục là 93.000 tấn; sang tháng 8, con số tiếp tục tăng và đạt tới 95.000 tấn. Nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi kèm theo dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng đến những người nuôi tôm phía nam Trung Quốc, tỷ lệ tôm nuôi còn sống chỉ khoảng 20 - 30%. Buộc nước này phải gia tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Lượng tôm Trung Quốc nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay đã gần bằng 11 tháng đầu năm ngoái, ở mức 524.000 tấn. Đạt giá trị đến 3,4 tỉ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, tuy Trung Quốc thường nhập khẩu tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador nhưng Việt Nam có lợi thế về địa lý và sản phẩm chế biến sâu. Các sản phẩm tiện dụng, đóng gói 200 - 500 gr rất được thị trường ưa chuộng. Những tháng tới, vào mùa lễ hội Tết Dương lịch rồi đến Tết Nguyên đán là thời điểm lễ hội mùa xuân và sức mua có khả năng tăng mạnh. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến của Việt Nam.
Trước dấu hiệu sụt giảm ở các thị trường quan trọng, đặc biệt là Mỹ thì sự phục hồi của thị trường Trung Quốc là một bù đắp kịp thời cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngành này có thể tự tin vượt mục tiêu 10 tỉ USD trong năm 2022.
Bình luận (0)