Trung Quốc tăng mạnh thâu tóm doanh nghiệp Nga

21/11/2017 09:03 GMT+7

Việc mua lại các công ty Nga của Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm tới, vì cả hai nước đều đang ủng hộ mạnh mẽ các dự án liên quan đến sáng kiến “Vành đai - Con đường”.

Theo ông Alex Methrell, giám đốc ngân hàng đầu tư toàn cầu của công ty đầu tư VTB Capital có trụ sở tại Moscow do chính phủ Nga điều hành, mức độ kinh doanh hiện tại vẫn còn khá thấp. Tuy nhiên, điều này lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước dễ dàng hơn trong việc thỏa thuận giá cả cho các tài sản và dự án phức tạp.
“Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư xuyên biên giới của các công ty Trung Quốc ở Nga trong vòng 18 đến 24 tháng qua. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trở thành chủ sở hữu tài sản chiến lược ở Nga, Đông Âu, và Trung Á. Họ cũng là các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng được tìm kiếm nhiều nhất”, ông Methrell nói trong cuộc phỏng vấn với South China Morning Post.
Theo số liệu của Dealogic, công ty cung cấp, phân tích thông tin tích hợp cho ngân hàng và các nhà đầu tư toàn cầu, đã có sáu thương vụ mua cổ phần lớn của các công ty Trung Quốc tại các công ty Nga trong năm nay, với tổng đầu tư 9,1 tỉ USD, tăng mạnh so với 1,1 tỉ USD hồi năm ngoái và 2,7 tỉ USD trong năm 2015. Các thỏa thuận lớn nhất trong thập niên qua giữa hai nước chủ yếu nằm trong lĩnh vực dầu và khí đốt, được mua bởi các công ty quốc doanh của Đại lục.
Kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế đối với Nga vì các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014, Nga đã tập trung tìm kiếm các khoản đầu tư ở châu Á, chủ yếu là ở Trung Quốc. Nga nằm trong số các nhà sản xuất dầu, khí tự nhiên, niken, vàng, kim cương và bạch kim hàng đầu thế giới, trong khi Trung Quốc lại là nước tiêu thụ và nhập khẩu nhiều nhất các mặt hàng này. “Tôi hy vọng năm tới sẽ là một năm thú vị cho các thỏa thuận liên tục giữa hai bên”, ông Metherell nói.
Theo South China Morning Post, tháng 9.2017, CEFC China Energy, tập đoàn tư nhân Trung Quốc hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực bao gồm dầu khí, tài chính, cơ sở hạ tầng giao thông, bất động sản... đã mua lại 14,16% cổ phần, trị giá 8 tỉ USD, của tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Nga Rosneft, hãng dầu mỏ lớn nhất thế giới được công nhận dựa theo sản lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.