Nio - thương hiệu xe hơi điện của Trung Quốc đã bước đầu tiến vào thị trường quốc tế, khi vừa tổ chức lễ ra mắt ở Na Uy vào tuần trước
Cam kết 3 phút có pin được sạc đầy
Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Marius Hayler, Tổng giám đốc chi nhánh Nio tại Na Uy, phát biểu trong buổi lễ ra mắt cho biết hãng này bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho dòng xe đa dụng (SUV) 7 chỗ ngồi là ES8 vào cuối năm nay. Dự kiến, Nio sẽ nhận đơn đặt hàng mẫu xe điện sedan ET7 vào đầu năm sau.
Theo kế hoạch, trung tâm kinh doanh đầu tiên của Nio tại Na Uy sẽ được đặt ở thủ đô Oslo. Trong đó, khu vực dịch vụ rộng khoảng 18.000 m2.
Hiện nay, Na Uy đang có mức độ tăng trưởng thị phần xe hơn điện cực nhanh. Nên đây là lý do để Nio chọn Na Uy làm nơi mở đường nhằm xâm nhập thị trường quốc tế. Theo chuyên trang Auto News, năm 2020, xe hơi điện chiếm tỷ lệ 54% trong tổng số xe hơi mới được bán ra ở Na Uy. Con số này vào năm 2019 là 42%.
Trong khi đó, Nio cũng không hề che giấu tham vọng sẽ trở thành thương hiện xe hơi điện hàng đầu thế giới, thậm chí sẵn sàng cạnh tranh với hãng Tesla đình đám của Mỹ. Nhằm cạnh tranh trên thị trường thế giới, Nio không bán pin kèm theo xe mà sẽ cho phép người dùng thuê pin sử dụng với mức phí hàng tháng được cho là tương đương với chi phí đổ xăng tương ứng nhu cầu.
Điểm đặc biệt khác là Nio sẽ tổ chức nhiều điểm đổi pin, để người dùng có thể thay pin mới đã được sạc đầy do điểm đổi pin chuẩn bị sẵn, mà không cần chờ sạc pin Thậm chí, Nio cam kết quá trình đổi pin này chỉ mất 3 phút.
Tham vọng mới của Trung Quốc
Có thể được xem là công xưởng của thế giới, nhưng Trung Quốc đến nay vẫn chưa phải là cường quốc xuất khẩu ô tô. Vì vậy, nước này mang tham vọng bành trướng ra thế giới với ngành công nghiệp ô tô điện.
Theo đó, với sự hỗ trợ của chính phủ và mục tiêu giảm khí thải, ngành xe hơi điện ở Trung Quốc đang nỗ lực trỗi dậy. Một trong các ưu thế để xe hơi điện Trung Quốc tăng cường khả năng cạnh tranh là Trung Quốc đang có vị thế vững chắc trong ngành sản xuất pin dành cho xe hơi điện.
Các hãng xe điện Trung Quốc gần đây liên tiếp xâm nhập thị trường quốc tế. Như: Aiways đã được bán ở Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ…; Xpeng Motor, một công ty khởi nghiệp vè ô tô điện, cũng đã vận chuyển lô hàng thứ hai gồm hơn 200 chiếc SUV G3 đến Na Uy; Hãng MAXUS (Trung Quốc) đã thâm nhập 9 thị trường châu Âu, trong đó có Anh, Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha, Hà Lan và Bỉ…
Theo báo cáo mới nhất về ô tô điện ở thị trường châu Âu, do Công ty nghiên cứu ô tô Schmidt công bố, tổng doanh thu của các thương hiệu xe điện (EV) của Trung Quốc tại 18 thị trường ô tô lớn của châu Âu đạt 23.836 chiếc trong năm 2020, tăng hơn 13 lần so với cùng kỳ năm 2019.
|
Chuyên trang Market Watch dẫn dự báo phân tích từ Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) nhận định: “Trong vòng 5 năm tới, chúng tôi dự đoán các công ty Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe điện sẽ tích cực thâm nhập thị trường nước ngoài”.
Tuy nhiên, các hãng xe hơi điện Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn lớn về thuế nhập khẩu và các lệnh trừng phạt giữa bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung liên tục căng thẳng.
Bình luận (0)