Trung Quốc thúc đẩy triển khai chiến đấu cơ tàng hình cho tàu sân bay

03/05/2022 07:15 GMT+7

Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang đẩy mạnh huấn luyện phi công điều khiển FC-31 để triển khai cho tàu sân bay

Các hình ảnh chụp từ vệ tinh mới đây hé lộ Trung Quốc đang thúc đẩy việc hoàn thiện khả năng vận hành chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình FC-31 để trang bị cho tàu sân bay, vốn ẩn chứa nguy cơ bất ổn cho Biển Đông.

Hé lộ qua hình ảnh chụp từ vệ tinh

Ngày 1.5, tờ South China Morning Post dẫn hình ảnh được chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình FC-31 được triển khai ở khu huấn luyện bay cho tàu sân bay ở một căn cứ hải quân của Trung Quốc. Hình ảnh có nguồn từ Công ty Maxar (Mỹ) - chuyên cung cấp hình ảnh chụp từ vệ tinh.

Tàu Sơn Đông là tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc

CCTV7

Theo hình ảnh trên, 2 chiến đấu cơ FC-31 có màu sơn xám đậm, nằm giữa 4 chiến đấu cơ J-15. Các máy bay này đỗ ở khu vực đường băng có đường trượt cất cánh giả lập đường trượt tương tự phần “mũi hếch” của tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông mà Trung Quốc đang sở hữu. Chính vì thế, giới quan sát nhận định Trung Quốc đang thúc đẩy huấn luyện phi công điều khiển FC-31 để triển khai cho tàu sân bay. Hồi cuối năm ngoái, Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Tôn Thông, kỹ sư trưởng về thiết kế dòng chiến đấu cơ J-15 và dòng FC-31 của Trung Quốc, cho hay nước này sẽ sớm công bố dòng máy bay mới dành cho tàu sân bay.

Trả lời Thanh Niên ngày 2.5, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) đánh giá: “Khi Trung Quốc có thể sắp xếp việc phóng, thu hồi và sửa chữa các chiến đấu cơ cánh cố định thông thường, thì việc kết hợp máy bay tàng hình sẽ không phải là một thách thức lớn. Tất nhiên, ở đây có một thách thức là việc tàu sân bay phải được trang bị các phương tiện chuyên dụng cho việc bảo trì chiến đấu cơ tàng hình vốn có lớp vật liệu được phủ bên ngoài đòi hỏi chế độ bảo dưỡng nghiêm ngặt hơn máy bay thông thường, đặc biệt trong điều kiện hơi muối trên biển. Vì thế, do có kích thước nhỏ hơn tàu sân bay Mỹ, các tàu sân bay của Trung Quốc có thể chỉ mang theo số lượng máy bay chiến đấu ít hơn”.

Về tiến độ Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ FC-31 cho tàu sân bay, TS James Holmes nhận định: “Lâu nay, Trung Quốc không công bố các thất bại và khó khăn khi vận hành tàu sân bay, nên khó đoán định được việc triển khai tàu sân bay của nước này chính xác đạt đến mức nào. Nhưng với những gì họ thể hiện bên ngoài thì có lẽ quá trình đang diễn ra khá tốt. Nên việc khi nào Trung Quốc có thể triển khai chiến đấu cơ tàng hình cho tàu sân bay phụ thuộc vào tiến độ quân đội nước này làm chủ quá trình vận hành máy bay công nghệ tàng hình”.

Ảnh chụp một căn cứ hải quân của Trung Quốc gần đây

Maxar

Tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc

Tuy nhiên, chưa rõ các chiến đấu cơ FC-31 trên sẽ được trang bị cho tàu sân bay hiện tại hay các tàu sân bay mà Trung Quốc sắp hoàn thành. Đến nay, cả 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông mà nước này đang sở hữu đều sử dụng đường trượt cất cánh mà chưa được trang bị bộ phóng máy bay như các tàu sân bay Mỹ. Theo một số thông tin quân sự, tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc vẫn mang thiết kế có đường trượt cất cánh như 2 tàu trước đó.

Liên quan tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc, tờ South China Morning Post ngày 30.4 đưa tin quá trình đóng chiến hạm này vừa được nối lại sau một thời gian đình trệ do các lệnh phong tỏa để chống dịch Covid-19. Đây cũng là tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự đóng - sau chiếc Sơn Đông. Cũng theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc từng dự định giới thiệu tàu sân bay thứ 3 nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập lực lượng hải quân nước này vào ngày 23.4 vừa qua, nhưng bất thành vì sự đình trệ nói trên. Giờ đây, Bắc Kinh dự định sẽ giới thiệu tàu sân bay thứ 3 vào dịp diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng trong năm nay.

Trung Quốc được cho là đang đẩy nhanh tham vọng tàu sân bay và một số thông tin chỉ ra nước này dự kiến đến năm 2030 sẽ sở hữu 4 nhóm tác chiến tàu sân bay, trở thành cường quốc tàu sân bay lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Vì thế, những năm qua, Bắc Kinh đang đẩy nhanh chương trình tàu sân bay để tăng cả về số lượng hàng không mẫu hạm lẫn năng lực tác chiến với loại chiến hạm này. Theo các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc đang quyết tâm xây dựng lực lượng tàu sân bay nhằm đảm bảo cái mà Bắc Kinh gọi là “lợi ích của nước này ở nước ngoài”. Cụ thể hơn, yếu tố quan trọng để Trung Quốc đẩy nhanh lực lượng tàu sân bay vẫn là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực Thái Bình Dương để phục vụ cho những tham vọng của Bắc Kinh ở khu vực. Vì thế, khi Trung Quốc càng tăng cường sức mạnh tàu sân bay thì Biển Đông càng đứng trước những rủi ro căng thẳng mới.

Radar Trung Quốc theo dõi tên lửa Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin quân đội Trung Quốc cho biết một radar mảng pha (phased array radar) lớn trên đỉnh núi ở tỉnh Sơn Đông đang được sử dụng để theo dõi các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản. Radar mảng pha là yếu tố không thể thiếu trong mạng lưới cảnh báo tên lửa và theo dõi không gian của Trung Quốc.

Sơn Đông là tỉnh phía đông Trung Quốc đối diện với bán đảo Triều Tiên qua biển Hoàng Hải. Hình ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy radar đang hướng về phía đông bắc và được lắp đặt khoảng sau tháng 11.2019. Radar này nằm cạnh một radar hướng về phía nam có thể giám sát các hoạt động tên lửa từ Đài Loan.

Trả lời phóng viên ở Seoul tối 1.5, đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên Lưu Hiểu Minh cho biết Bắc Kinh “quan ngại” về căng thẳng hiện tại trên bán đảo, kêu gọi các bên kiềm chế. Ông Lưu dự kiến gặp các đồng nhiệm Hàn Quốc vào ngày 3.5, theo Reuters.

Lam Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.