Trung Quốc 'trầy trật' với tham vọng tự chủ bán dẫn

27/10/2021 14:01 GMT+7

Chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc sẽ không thể tự sản xuất chip nếu thiếu công nghệ nước ngoài.

Năm nay, nhiều hãng công nghệ lớn ở Trung Quốc ra mắt loại chip riêng. Tháng 8, Baidu trình làng chip trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ hai có tên Kunlun 2. Alibaba vừa phát hành chip được thiết kế cho máy chủ và điện toán đám mây. Nikkei đưa tin hãng smartphone Oppo cũng đang phát triển bộ vi xử lý riêng cho các sản phẩm của mình.

Trung Quốc ấp ủ tham vọng tự chủ bán dẫn

chụp màn hình

Theo CNBC, dù có những động thái thúc đẩy ngành chip nội địa, trong thực tế, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài nếu muốn đạt tới khả năng tự cung tự cấp. Chưa kể, quốc gia này vẫn chật vật để bắt kịp các đối thủ ở Mỹ và châu Á. Chất bán dẫn ngày càng được xem như chìa khóa đảm bảo an ninh và biểu hiện cho sức mạnh công nghệ của một quốc gia.

"Đây là một bước tiến để tự chủ bán dẫn, nhưng chỉ là bước tiến nhỏ. Cụ thể, có những loại chip được thiết kế trong nước nhưng rất nhiều tài sản trí tuệ, sản xuất, thiết bị và vật liệu vẫn có nguồn gốc từ nước ngoài", Peter Hanbury - đối tác của Bain & Company nhận định về trường hợp Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng bị nước ngoài chi phối

Nhiều ví dụ cho thấy công nghệ bán dẫn của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các công ty nước ngoài. Đơn cử là chip Yitian 710 của Alibaba học theo kiến trúc của hãng bán dẫn Arm ở Anh. Chip này cũng được xây dựng dựa trên quy trình 5 nanomet - công nghệ chip tiên tiến nhất thời điểm hiện tại. Chip Kunlun 2 của Baidu theo quy trình 7 nanomet, Oppo thì tập trung vào chip 3 nanomet.

Trung Quốc không có công ty nào đủ khả năng tạo ra những chip tiên tiến như trên. Họ sẽ phải dựa vào ba công ty, gồm Intel (Mỹ), TSMC (Đài Loan) và Samsung ((Hàn Quốc)).

TSMC đã bắt đầu nghiên cứu chip 3 nanomet

CHỤP MÀN HÌNH

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, vì ngay cả TSMC và Intel vẫn cần công cụ và thiết bị từ những công ty khác. Và quyền lực đang tập trung trong tay số ít như ASML ở Hà Lan, công ty duy nhất trên thế giới có thể chế tạo một cỗ máy mà các nhà sản xuất chip đều cần đến.

“Hệ sinh thái bán dẫn rất lớn và phức tạp, vì vậy rất khó tự chủ với một loạt công nghệ và sức mạnh như vậy,” Hanbury nói.

Những lỗ hổng địa chính trị

Phụ thuộc vào nước ngoài, các công ty Trung Quốc dễ vướng vào những xung đột địa chính trị, như trường hợp Huawei và SMIC.

Huawei thiết kế bộ vi xử lý smartphone có tên Kirin, con chip này đã giúp Huawei trở thành một trong những công ty smartphone đáng gờm trên thế giới. Nhưng năm 2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, khiến công ty không thể tiếp cận một số công nghệ của Mỹ. Năm ngoái, Washington tiếp tục đưa ra quy tắc yêu cầu các hãng bán dẫn nước ngoài nếu muốn sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ thì phải xin giấy phép trước khi bán chip cho Huawei.

Mảng smartphone của Huawei tê liệt vì không thể sản xuất chip Kirin

chụp màn hình

Mà chip của Huawei do TSMC sản xuất. Khi quy tắc của Mỹ được áp dụng, TSMC không còn có thể sản xuất chất bán dẫn cho Huawei, khiến hoạt động kinh doanh smartphone của hãng bị tê liệt.

Bên cạnh Huawei, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC cũng đang nằm trong danh sách hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ.

"Ví dụ, nếu bị cấm nhập lô hàng chip smartphone từ nước ngoài thì Oppo vẫn có nguồn chip nội địa. Nhưng đa số loại chip này được sản xuất bằng công nghệ quốc tế. Nếu nhà sản xuất đối tác bị ngăn hoạt động, các công ty này sẽ không thể tiếp cận những con chip của họ", Hanbury nhận xét.

Trung Quốc giờ đang ở đâu?

Các chính phủ trên thế giới hiện coi chất bán dẫn là công nghệ chiến lược cực kỳ quan trọng. Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi đầu tư 50 tỉ USD vào ngành sản xuất và nghiên cứu bán dẫn. Tháng 3, Intel công bố kế hoạch chi 20 tỉ USD để xây dựng hai nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ.

Các quốc gia khác cũng đang tìm cách đảm bảo chuỗi cung ứng bán dẫn của họ trước tình trạng thiếu chip toàn cầu, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp quan trọng.

Nhà sản xuất bán dẫn SMIC của Trung Quốc

CHỤP MÀN HÌNH

Đi trước nhiều quốc gia trong một số quá trình phát triển chip, song Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi bắt kịp các công nghệ mới nhất. Ví dụ, SMIC có thể sản xuất chip 28 nanomet, nhưng TSMC của Đài Loan đã và đang theo đuổi công nghệ chip 3 nanomet tân tiến hơn rất nhiều. SMIC sẽ phải nắm vững quy trình sản xuất và mất nhiều năm nữa mới bằng TSMC.

Peter Hanbury cho rằng SMIC có cố gắng thế nào cũng không thể bắt kịp công nghệ mới nhất, vì trong lúc họ nỗ lực, các hãng khác vẫn đang tiến về phía trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.