Công ty Boya Gongdao Robot Technology (trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc) vừa công bố một mẫu tàu ngầm tự hành được giới thiệu là có khả năng tàng hình, lấy cảm hứng từ loài cá mập, theo tạp chí Navy Recognition ngày 12.11.
Mẫu tàu ngầm mới có tên Robo-Shark, với hình dáng bên ngoài tương tự cá mập. Nhà sản xuất cho hay nhờ ứng dụng công nghệ phỏng sinh học, khi hoạt động dưới nước, thiết bị này sẽ không khác gì loài cá.
Theo thông tin từ Boya Gongdao Robot Technology, với thiết kế đặc biệt, Robo-Shark có thể dễ dàng di chuyển với tốc độ cao và mang được tải trọng lớn so với kích thước. Thiết bị này sẽ được dùng cho các nhiệm vụ tình báo, giám sát, trinh sát. Công ty sản xuất cũng gợi ý Robo-Shark có thể ngăn chặn biệt kích người nhái, tuần tra tốc độ cao và theo dõi các mục tiêu di chuyển nhanh dưới nước.
|
Ông H. I. Sutton, chuyên nghiên cứu về tàu ngầm thế giới, đánh giá thiết kế mô phỏng cá mập của Robo-Shark không đơn thuần là mục tiêu thẩm mỹ. Bên dưới vẻ ngoài thu hút này là một xu hướng tiên phong trong công nghệ chế tạo thiết bị dưới nước. Ngày càng nhiều kỹ sư dùng công nghệ phỏng sinh học, hay nói cách khác là học hỏi từ tự nhiên, để ứng dụng vào các thiết kế của mình.
Công ty Boya Gongdao Robot Technology cũng khẳng định động cơ đẩy hình đuôi cá có hiệu suất tốt hơn đến 80%, cùng mức tiêu thụ năng lượng thấp, giúp cải thiện tuổi thọ của pin. So với kiểu thiết kế chân vịt truyền thống, động cơ đuôi cá giúp thiết bị hoạt động yên tĩnh hơn. Đây được xem là một lợi thế quan trọng khi tham gia hải chiến.
Cũng theo chuyên gia H. I. Sutton, hiện chưa thể khẳng định Robo-Shark có được quân đội Trung Quốc sử dụng hay không. Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh vào đầu tháng 10, quân đội Trung Quốc đã giới thiệu tàu ngầm không người lái loại HSU-001với thiết kế thông thường.
Mẫu tàu ngầm tự hành Robo-Shark chính thức ra mắt vào cuối tháng 10 vừa qua tại sự kiện iOceans China 2019, ở Tam Á, Trung Quốc. Bên cạnh Robo-Shark, Boya Gongdao Robot Technology cũng giới thiệu mẫu Robo-Fish nhỏ hơn với thiết kế lai giữa chân vịt truyền thống và động cơ đuôi cá. Robo-Fish được đánh giá phù hợp với các ứng dụng dân sự có yêu cầu đơn giản và tải trọng hàng hóa thấp hơn.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất theo đuổi công nghệ phỏng sinh học để thiết kế các phương tiện tự hành dưới nước. Từ năm 2013, hải quân Mỹ đã phát triển tàu ngầm không người lái GhostSwimmer lấy cảm hứng từ loài cá ngừ vây xanh, có kích thước tương đương Robo-Shark, dùng thực hiện các nhiệm vụ tình báo, do thám, cũng như kiểm tra thân tàu.
Bình luận (0)