Tờ Nikkei Asian Review ngày 5.1 đưa tin Myanmar đã chọn liên doanh do Trung Quốc dẫn đầu để xây dựng một đặc khu kinh tế nằm gần các nguồn dự trữ khí đốt dồi dào ngoài khơi Ấn Độ Dương.
Vị trí xây dựng đặc khu kinh tế Kyaukphyu - Ảnh: Nikkei |
Ngoài Tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan, 5 thành viên còn lại trong liên doanh đều đến từ Trung Quốc do các tập đoàn nhà nước là Citic và China Harbour Engineering dẫn đầu.
Liên doanh này đã vượt qua hơn 10 nhà thầu khác để giành quyền xây dựng đặc khu kinh tế Kyaukphyu nằm ở bang Rakhine, miền tây Myanmar. Dự kiến tới năm 2025, tại Kyaukphyu sẽ mọc lên một khu công nghiệp rộng gần 1.000 ha và một cảng biển có công suất lớn nhất ở Myanmar từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư chưa được công bố cụ thể nhưng hai dự án này hứa hẹn sẽ tạo ra khoảng 100.000 việc làm.
Nằm bên bờ Ấn Độ Dương, đặc khu Kyaukphyu có lợi thế lớn trong việc tiếp cận các mỏ dầu khí lớn trên biển và Trung Quốc đang đổ tiền đầu tư vào đây như một phần trong chính sách bảo đảm an ninh năng lượng. Theo Nikkei Asian Review, nước này vừa hoàn thành đường ống dẫn dầu nối ở Kyaukphyu với TP.Trùng Khánh. Bên cạnh đó, giới quan sát nhận định đầu tư phát triển đặc khu Kyaukphyu còn là cách để Trung Quốc duy trì hiện diện ở Myanmar trong bối cảnh chính phủ mới của nước này được cho là có chủ trương giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Bên cạnh Kyaukphyu, chính phủ Myanmar còn đang tập trung phát triển 2 đặc khu kinh tế khác là Thilawa nằm gần Yangon, thành phố đông dân nhất Myanmar, và Dawei gần biên giới Thái Lan. Trước đó, Myanmar, Thái Lan và Nhật Bản đã đạt thỏa thuận cùng phát triển đặc khu Dawei.
Bình luận (0)