Theo CNN, đây là cảnh báo được đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai đưa ra sau khi quốc gia Đông Á áp thuế lên 3 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có trái cây, thịt heo và ống thép.
Biện pháp này là đòn đáp trả lại mức thuế cao áp lên nhôm, thép mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên Đại lục cùng nhiều nước khác. Không chỉ thế, ông Trump cũng công bố kế hoạch áp thuế quan lên 60 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thuế và các đe dọa đánh thuế làm dấy lên lo ngại rằng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế Mỹ, Trung có thể trở nên tồi tệ hơn. Hiện biện pháp mới từ phía Mỹ vẫn đang định hình, và chính quyền Tổng thống Trump chưa công bố cụ thể sản phẩm nào của Trung Quốc sẽ bị áp thuế. Họ lên kế hoạch xem xét ý kiến của công chúng trong vài tuần trước khi chính thức áp dụng mức thuế mới.
Ông Cui cho hay một khi Mỹ hành động, Trung Quốc “chắc chắn sẽ có các biện pháp đối phó với cùng tỷ lệ, quy mô và mức độ”. Ông Cui nói như trên trong cuộc phỏng vấn với kênh tin tức bằng tiếng Anh của Trung Quốc CGTN.
Kế hoạch áp thuế lên khoảng 60 tỉ USD hàng hóa Đại lục đến sau khi Mỹ điều tra về hành vi Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ. Cuộc điều tra ước tính vấn đề này khiến kinh tế Mỹ tiêu tốn hàng tỉ USD mỗi năm. Chính quyền ông Trump cho biết các khoản thuế được lên kế hoạch sẽ trừng phạt ngành hàng không vũ trụ, công nghệ và máy móc của Đại lục.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang hôm nay 3.4 hậu thuẫn bình luận của đại sứ khi nói với báo giới rằng Đại lục sẽ “chiến đấu đến cùng” nếu bị đẩy vào một cuộc chiến thương mại. Ông Geng phát tín hiệu rằng Trung Quốc đã đưa nhiều sản phẩm Mỹ vào tầm ngắm, đề phòng trường hợp ông Trump quyết tâm đánh thuế cao thêm lần nữa.
“Mỹ có một danh sách, thì Trung Quốc cũng có một danh sách”, ông Geng nói. Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh có thể chọn nhắm mục tiêu vào các loại hàng hóa xuất khẩu nhiều từ Mỹ vào Trung Quốc, chẳng hạn như đậu nành hay máy bay Boeing. Nước này cũng có thể siết chặt hoạt động của nhiều doanh nghiệp Mỹ lớn, các hãng đang kinh doanh mạnh ở đây như Apple và Intel.
Ông Geng cũng nói thêm rằng Bắc Kinh kỳ vọng “giải quyết các khác biệt thương mại với Mỹ thông qua đối thoại và tham vấn”. Dù vậy, ông cảnh báo rằng đối thoại phải diễn ra dưới sự tôn trọng và công bằng, không phải là một bên cương quyết và cưỡng ép bên còn lại.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Cui cũng bảo vệ cách tiếp cận của Đại lục trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, cho hay Trung Quốc đã “tăng cường nỗ lực và hệ thống pháp luật, sẵn sàng hợp tác quốc tế”. Nhiều doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài phàn nàn về các động thái Trung Quốc những năm qua, chẳng hạn như yêu cầu các doanh nghiệp chuyển giao bí mật thương mại để đổi lấy khả năng bước vào thị trường rộng lớn.
Tổng thống Mỹ thì không ít lần cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp công ăn việc làm của dân Mỹ bằng các hoạt động thương mại thiếu công bằng. Ông hứa giảm thâm hụt thương mại hàng hóa khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc, số liệu vốn đạt 375 tỉ USD năm ngoái.
Bình luận (0)