Trung Quốc vẫn buôn bán tốt với Triều Tiên bất chấp lệnh trừng phạt

10/10/2016 14:55 GMT+7

Sự “chiều chuộng” của Trung Quốc với Triều Tiên ít nhất về kinh tế, đang khiến vấn đề hạt nhân Triều Tiên thêm trầm trọng, báo Hàn Quốc The Korea Times nhận định.

Vai trò của Trung Quốc trong việc kiềm hãm sự phát triển vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên rất quan trọng, nhưng Bắc Kinh lại thể hiện “thái độ nước đôi” và điều này góp phần khiến Bình Nhưỡng tiếp tục những hoạt động “khiêu khích”.

Trung Quốc đã chấp nhận trừng phạt Triều Tiên theo nghị quyết của HĐBA Liên Hiệp Quốc từ tháng 3, sau khi Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Trung Quốc cũng đang thảo luận với các nước khác về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn áp lên Triều Tiên sau đợt thử hạt nhân lần thứ 5 (trong tháng 9).

Các biện pháp trừng phạt này bao gồm vận động ngoại giao và đặc biệt là đánh vào kinh tế. Tuy nhiên, với vai trò là nước thân cận nhất với Triều Tiên, Trung Quốc lại chưa thể hiện sự quyết đoán ít nhất về kinh tế.

Báo The Korea Times ngày 9.10 dẫn ra những thông số cho thấy Trung Quốc vẫn giao dịch đều đặn với Triều Tiên, thậm chí thương mại còn có dấu hiệu gia tăng.

Số liệu của Hải quan Trung Quốc gần đây báo cáo rằng xuất khẩu sang Triều Tiên đạt 337 triệu USD trong tháng 8, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kim ngạch cao nhất kể từ tháng 12.2014, qua đó đưa thương mại song phương gần chạm mốc những kỷ lục hồi năm 2013. Đáng chú ý, The Korea Times nói rằng số liệu ấy chưa bao gồm mặt hàng dầu thô (không được báo cáo).

Số liệu nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng hoá Triều Tiên cũng tăng 16% so với năm trước, ở mốc 286 triệu USD, trong đó đa phần là than đá (chiếm 113 triệu USD), dù đây là loại hàng Liên Hiệp Quốc đưa vào danh sách cấm nhập khẩu từ Triều Tiên.

William Brown, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Georgetown (trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ) nhận định rằng có 2 khả năng giải thích cho điều này, nhưng đều cho thấy Trung Quốc có cái nhìn khác với Mỹ về việc thực hiện các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên.

“Việc thương mại Trung Quốc – Triều Tiên không bị ảnh hưởng có thể dễ dàng cho thấy chiến thuật ngó lơ áp lực kinh tế lên Triều Tiên, hoặc đó là cách phản ứng với thỏa thuận về việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Dù là cách giải thích nào, thì điều quan trọng là Trung Quốc đang nhìn nhận lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc rất khác với quan điểm của người Mỹ vốn khá nặng nề”, ông William Brown nói.

Trong năm nay, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí về kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc nhằm đối phó mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Đây là quyết định mà Trung Quốc luôn phản đối, vì cho rằng THAAD đe dọa Trung Quốc hoặc đe dọa an ninh khu vực.

Tiếp tục bế tắc?

Trong khi nhiều chuyên gia và các nước đều xem Trung Quốc là nước có vai trò quan trọng nhất trong việc trừng phạt Triều Tiên, những số liệu thương mại nêu trên lại là tín hiệu cho thấy Trung Quốc muốn “duy trì hiện trạng” trên bán đảo Triều Tiên.

“Dù Trung Quốc đã đồng ý hỗ trợ các biện pháp trừng phạt nặng nề do Mỹ đề xướng, tôi tin rằng Trung Quốc không bao giờ có ý định rút tấm thảm đỏ đối với Triều Tiên. Bắc Kinh không hài lòng với tham vọng và sự khoa trương trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng họ lo ngại hơn về sự bất ổn ở Triều Tiên, và muốn duy trì hiện trạng ở biên giới của họ với Triều Tiên”, The Korea Times dẫn lời bà Katharine H.S. Moon, thành viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Viện Brookings (Mỹ).

Trung Quốc được cho vẫn muốn duy trì hiện trạng trên bán đảo Triều Tiên, và không hề muốn cắt đứt quan hệ với chính quyền của Lãnh đạo Kim Jong-un Reuters

Bà Moon cũng khẳng định rằng, trừ phi Triều Tiên đe dọa trực tiếp an ninh hoặc lợi ích kinh tế của Trung Quốc, hoàn toàn không có hy vọng nào cho phía Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản có thể nghĩ rằng Trung Quốc tỏ thái độ nghiêm khắc hơn với Triều Tiên.

Ngày 10.10 đánh dấu kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Cách đây 10 năm vào ngày 9.10.2006, Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân lần đầu tiên của nước này khi đó dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Hàn Quốc gần đây bày tỏ lo ngại rằng Triều Tiên của lãnh đạo hiện tại Kim Jong-un có thể thử hạt nhân bất cứ lúc nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.