Trung Quốc vì sao có thể muốn làm trung gian giải quyết xung đột Nga-Ukraine?

Trung Quốc vì sao có thể muốn làm trung gian giải quyết xung đột Nga-Ukraine?

La Vi: Biên tập, dựng (video trên 3p). Quỳnh Phương: Đọc.
18/03/2023 13:32 GMT+7

Trung Quốc dường như đang tự định vị vai trò làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga và Ukraine.

Bắc Kinh đã đề xuất kế hoạch 12 điểm và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đang liên lạc với cả hai bên.

Điều này đã làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc có thể đang cố gắng kéo hai bên đối đầu vào bàn đàm phán.

Tại sao Trung Quốc cố gắng hòa giải?

Trung Quốc thường không can dự vào xung đột của các nước khác, đặc biệt là các nước ở xa.

Tuy nhiên, nhà phân tích Wang Jiangyu, giáo sư luật tại Đại học Thành phố Hồng Kông, nói rằng cố gắng làm trung gian hòa bình là một động thái ít mạo hiểm nhưng có thể mang lợi nhiều lợi ích.

“Nếu Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhất để chấm dứt chiến sự, hoặc ở mức độ thấp hơn là để các bên ngồi lại với nhau, để đàm phán, chẳng hạn như tạm ngưng chiến sự trong một số giai đoạn, trong vài tháng; điều đó sẽ mang lại giá trị to lớn đối với danh tiếng và uy tín của Trung Quốc. Điều đó đánh dấu sự khởi đầu của việc Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu, điều mà trước đây chỉ có Mỹ làm được", ông Wang nói.

Trung Quốc đã đề xuất gì?

Trong tài liệu 12 điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, Bắc Kinh đã kêu gọi Nga và Ukraine đồng ý giảm leo thang dần dần và ngừng bắn. Kế hoạch kêu gọi bảo vệ dân thường và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia, nhưng Trung Quốc đã tránh lên án Nga về chiến dịch quân sự.

Kế hoạch 12 điểm của Bắc Kinh đã nhận được sự chào đón khá lạnh nhạt từ cả Nga và Ukraine.

Trung Quốc có thể làm trung gian hòa đàm cho Nga-Ukraine? - Ảnh 1.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 2.2022

REUTERS

Ukraine cho biết sẽ chỉ xem xét các giải pháp hòa bình sau khi quân đội Nga rời khỏi lãnh thổ Ukraine, mặc dù sau đó nói rằng có thể xem xét "một phần của kế hoạch".

Về phần mình, Nga cho biết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng kế hoạch nhưng chưa thấy có dấu hiệu nào cho một giải pháp hòa bình trong lúc này. Trong khi đó, Mỹ và NATO vẫn hoài nghi về các đề xuất của Bắc Kinh.

NATO cho rằng Trung Quốc không có nhiều uy tín với tư cách là nhà trung gian hòa giải về khủng hoảng Ukraine.

Trung Quốc sẽ đóng vai trò gì?

Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh sẽ khó thuyết phục được Moscow và Kyiv ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tạo đà dẫn đến đàm phán.

"Nếu cách hiểu của Trung Quốc là sau vài tháng nữa, cả hai bên đều kiệt sức và họ muốn có diễn đàn để bắt đầu đàm phán hòa bình, Trung Quốc có thể mang đến cơ hội đó. Và không một nước nào khác có thể làm được điều đó", ông Wang nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, từng làm trung gian đối thoại ngay trong những tuần sau khi xung đột nổ ra vào năm ngoái. Nỗ lực đó bất thành, cho thấy rõ khó khăn trong vấn đề này.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang ở vị thế hòa giải tốt hơn Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này có nhiều ảnh hưởng hơn đối với Nga. Trung Quốc cũng có một số ảnh hưởng đối với Ukraine, vì Kyiv không muống bỏ qua cơ hội được Bắc Kinh hỗ trợ cho quá trình tái thiết sau này.

Còn những nghi ngại gì?

Câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có tận tâm trong vai trò trung gian hay không. Việc Nga và Trung có mối quan hệ khăng khít sẽ khiến nước này được theo dõi với nhiều hoài nghi.

Vài ngày trước khi Nga đưa quân vào Ukraine, Bắc Kinh và Moscow đã công bố quan hệ đối tác toàn diện. Và mặc dù Trung Quốc đã kêu gọi hòa bình kể từ khi bắt đầu chiến sự, nhưng nước này cũng bày tỏ lập trường tương tự Nga khi cho rằng NATO đã đe dọa Nga bằng việc mở rộng về phía đông và các đồng minh phương Tây của Ukraine đã thêm dầu vao lửa khi cung cấp xe tăng và tên lửa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.