Trung Quốc xây cầu để rút ngắn thời gian tiếp cận chốt quân sự Ấn Độ?

Văn Khoa
Văn Khoa
04/01/2022 07:56 GMT+7

Quân đội Trung Quốc (PLA) được cho là đã bắt đầu xây dựng một cây cầu bắt qua Hồ Pangong để rút ngắn thời gian tiến vào các chốt quân sự Ấn Độ ở khu vực bờ phía nam của hồ này.

Một khu vực Hồ Pangong

Chụp màn hình Sputnik

Hồ Pangong từng là một trong số điểm nóng nằm dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC), đường biên giới thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nơi binh sĩ hai bên có vụ đụng độ chết người vào tháng 5.2020.

Bằng cách xây cây cầu nói trên, ở khu Khurnak thuộc bờ phía bắc của Hồ Pangong và do Trung Quốc kiểm soát, PLA hy vọng ngăn chặn được Lục quân Ấn Độ không lặp lại Chiến dịch Báo tuyết nhằm kiểm soát các điểm cao ở bờ phía nam của Hồ Pangong, được chia sẻ bởi Trung Quốc và Ấn Độ ở vùng Đông Ladakh, theo báo The Print ngày 3.1 dẫn một số nguồn tin.

Theo Chiến dịch Báo tuyết, được tiến hành vào tháng 8.2020, Ấn Độ đã kiểm soát một số điểm cao ở khu vực bờ phía nam của Hồ Pangong và điều này mang lại cho Ấn Độ ưu thế đối với toàn khu Pangong.

Quân đội Ấn Độ củng cố năng lực chiến đấu tại ranh giới với Trung Quốc

The Print dẫn một số nguồn tin cho rằng sau Chiến dịch Báo tuyết, PLA có lẽ đã rút ra được bài học nên cho xây dựng cây cầu nói trên để đảm bảo họ có thể di chuyển ở khu vực nhanh hơn và có khả năng tăng cường hiện diện “theo cách lớn”.

Cũng theo nguồn tin, sau khi cây cầu được hoàn thành, khoảng cách từ Khurnak đến những khu vực thuộc bờ phía nam của Hồ Pangong sẽ được rút ngắn xuống còn 40-50 km, so với gần 200 km hiện nay. Không có cây cầu đang xây, binh sĩ Trung Quốc phải di chuyển theo một tuyến dài hơn để tiến tới bờ phía nam của Hồ Pangong, có chiều dài tổng cộng 135 km. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc.

Trung Quốc đã rút hơn 10.000 binh sĩ và trên 300 xe tăng khỏi khu vực Hồ Pangong và hai bên cũng đã dừng tuần tra ở khu vực theo thỏa thuận được ký vào ngày 10.2.2021. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh chụp vào tháng 10.2021 không được xác nhận cho thấy đơn vị thuộc PLA còn hiện diện tại một số khu vực, theo hãng tin Sputnik.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.