Trung Quốc 'xuất khẩu' người dẫn chương trình AI nói tiếng Ả Rập

Thu Thảo
Thu Thảo
01/05/2019 17:19 GMT+7

Sogou, nhà điều hành công cụ tìm kiếm online lớn thứ nhì Trung Quốc, sẽ phát triển người dẫn chương trình tin tức dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), nói tiếng Ả Rập đầu tiên trên thế giới .

Theo South China Morning Post, Sogou vừa có thỏa thuận với đài truyền hình nhà nước tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Sáng kiến Vành đai, Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng làm tăng nhu cầu chuyên môn công nghệ Trung Quốc ở các nước tham gia.
Sogou cho hay người dẫn chương trình AI hệt như người thật sẽ giúp hãng Abu Dhabi Media (ADM) cung cấp các bản tin theo cách hiệu quả hơn, thu hút người xem hơn. Người dẫn chương trình này có thể hoạt động 24/7.
“Việc sử dụng AI và công cụ công nghệ trong ngành truyền thông sẽ dẫn đến bước nhảy vọt về chất lượng trong ngành, ở riêng UAE và ở cả khu vực”, Omar Sultan Al Olama, Bộ trưởng AI của UAE, cho biết. Theo ông Al Olama, công nghệ tiên tiến không chỉ làm phong phú nội dung truyền thông mà còn mở ra cơ hội để các chuyên gia trẻ tuổi xây dựng bộ kỹ năng phù hợp với nhiều kênh truyền thông trong tương lai.
Thỏa thuận giữa Sogou và ADM đưa ra vài tháng sau khi hãng điều hành công cụ tìm kiếm được niêm yết ở New York và Tân Hoa xã tung “người dẫn chương trình composite” hồi tháng 11.2018. Đây là người dẫn chương trình kết hợp hình ảnh và giọng nói của con người với công nghệ AI. Sản phẩm sẵn có trên nền tảng di động và internet của Tân Hoa xã, chẳng hạn như ứng dụng đọc tin tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, tài khoản đại chúng WeChat và trang web truyền hình trực tuyến.
Ông Wang Yanfeng, Tổng giám đốc Trung tâm Công nghệ Tương tác Giọng nói của Sogou (trái), Omar Sultan Al Olama, Bộ trưởng AI của UAE (giữa) và Ali Bin Tamim, Tổng giám đốc Abu Dhabi Media tại buổi ký kết thỏa thuận hôm 29.4 Ảnh: Handout
Người dẫn chương trình truyền hình AI đánh dấu mặt hàng công nghệ cao xuất khẩu mới nhất của Trung Quốc tiến vào các nước tham gia Vành đai, Con đường. Nhiều tiến bộ công nghệ do giới doanh nghiệp nước này phát triển nhận được nhu cầu cao, chẳng hạn như công nghệ camera giám sát quét khuôn mặt, quản lý thành phố thông minh và hệ thống xe tự lái.
Trung Quốc nỗ lực trở hành nước đi đầu AI toàn cầu vào năm 2030. Hiện quốc gia có lợi thế khi có nhiều bài nghiên cứu, bài báo học thuật và bằng sáng chế liên quan đến AI, cũng như tài trợ AI toàn cầu, xuyên biên giới. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã là nhà của sáu trong số 11 startup AI lớn nhất thế giới.
Thỏa thuận với ADM cũng đánh dấu lần đầu tiên, công nghệ người dẫn chương trình AI của Sogou được một tổ chức truyền thông quốc tế ứng dụng, theo Tổng giám đốc Wang Yanfeng của Trung tâm Công nghệ Tương tác Giọng nói của Sogou. Người dẫn chương trình này được quảng cáo là kết hợp không ít tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực AI tổng hợp giọng nói, phát hiện hình ảnh và học sâu. Văn bản đầu vào có thể được chuyển thành chuyển động môi tương ứng, cung cấp cho người dùng trải nghiệm với độ tương tác, tùy biến cao.
Diễn đàn Vành đai, Con đường lần thứ nhì vừa được tổ chức cuối tuần trước ở Bắc Kinh. Trọng tâm lần này chuyển sang các hãng công nghệ cao Trung Quốc. Phái đoàn từ nhiều nước bày tỏ sự quan tâm trong việc nghiên cứu, phát triển cùng với các hãng Đại lục. Đơn cử, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad dẫn đầu phái đoàn đến thăm văn phòng hãng SenseTime ở thủ đô Trung Quốc. SenseTime là startup AI giá trị nhất thế giới, có ký hợp đồng với G3 Global và China Harbour Engineering để thành lập công viên AI tại Malaysia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.