Theo Reuters, 24 tiếng sau cuộc trưng cầu dân ý về trạng thái thành viên của Anh trong EU sẽ là những giờ bất ổn nhất đối với các thị trường trong 1/4 thế kỷ.
Cuộc bỏ phiếu vào ngày 23.6 sắp tới khiến các nhà đầu tư lo sợ vì nó xói mòn cố gắng hòa nhập của châu Âu hậu Thế chiến thứ hai, đặt ra dấu hỏi về tương lai Anh quốc và nền kinh tế 2.900 tỉ USD của nước này.
Citi, Deutsche Bank, JPMorgan, Goldman Sachs, HSBC, Barclays, Royal Bank of Scotland và Lloyds là các nhà băng có kế hoạch yêu cầu nhân viên và nhà giao dịch chứng khoán cao cấp sẵn sàng trên đầu dây điện thoại ở London (Anh), khi kết quả bắt đầu xuất hiện sau lúc những buồng phiếu đóng cửa vào 21 giờ ngày 23.6.
Trong chuyến thăm nước Anh vào tháng này, CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase & Co ngụ ý với các nhân viên của ông rằng nếu Anh quốc chọn Brexit, tức rời EU, ngân hàng sẽ phải cắt giảm nhân sự. “Chúng tôi không biết nó sẽ có ý nghĩa ra sao: có một loạt các hậu quả”, ông Dimon nói. Ông là người ủng hộ chuyện nước Anh duy trì tư cách thành viên EU và từng cảnh báo về việc cắt giảm nhân sự nếu Anh chọn rời đi.
tin liên quan
Các ngân hàng lớn chán ghét cảnh EU không có nước AnhNhiều nhà băng thế giới không thể chịu được ý tưởng một Liên minh châu Âu (EU) không có nước Anh. Tính đến hiện tại, giới phân tích ở các ngân hàng lớn đang cố gắng thoát khỏi kịch bản “Brexit” đáng sợ này.
Lựa chọn Brexit sẽ gây bất ổn trên thị trường ngoại hối, cổ phiếu và trái phiếu, khiến các khoản cược trên nhiều loại tài sản thay đổi và có thể là phép thử cho cơ sở hạ tầng các thị trường phương Tây. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cảnh báo rằng lựa chọn Brexit sẽ làm biến động thị trường tài chính và có khả năng đẩy lùi thời gian tăng lãi suất tiếp theo của Mỹ.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney từng cho hay bảng Anh (GBP) có thể giảm giá và giảm giá mạnh. Đồng tiền được giao dịch nhiều thứ tư trên thế giới đã và đang biến động lớn trong những tuần gần đây, và thường thay đổi giá trị sau khi kết quả các cuộc khảo sát dân ý được công bố.
|
Một số ngân hàng lớn dự báo đợt giảm giá chưa từng có của bảng Anh để cân bằng với đồng euro, có thể thấp đến mức 1 GBP ngang giá 1,2 USD trong những ngày sau cuộc bỏ phiếu chọn việc rời khỏi khối 28 nước.
Ngân hàng Trung ương Anh cũng sẽ làm việc qua đêm và các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng nếu các thị trường rơi vào khủng hoảng. Bộ Tài chính Anh hiện chưa bình luận gì về kế hoạch nhân sự.
Tùy thuộc vào kết quả “ở” hay “đi”, đêm 23 và sáng sớm 24.6 có thể được xếp hạng là một trong những đêm biến động mạnh nhất trong lịch sử thị trường London.
“Chúng tôi đã trải qua các cuộc bầu cử Mỹ, cuộc bầu cử Anh, trưng cầu dân ý về Scotland, sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và chuyện nới lỏng tiền tệ, nhưng điều này, tính tới thời điểm hiện tại, là sự kiện rủi ro lớn nhất và thể hiện trực tiếp đến Vương quốc Anh”, chuyên gia về thị trường tiền tệ Chris Huddleston tại ngân hàng Investec nhận định.
Một nguồn tin cao cấp tại ngân hàng lớn có trụ sở tại trung tâm tài chính Canary Wharf ở London cho hay: “Tất cả các nhà đầu tư đều sẽ tham gia… Họ không thích chuyện bỏ lỡ những khoảnh khắc lớn, nếu có khoảnh khắc lớn như thế, họ muốn là người có mặt tại bàn làm việc”.
Bình luận (0)