Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy (thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa có báo cáo tổng kết công tác tiếp nhận máu năm 2022.
Theo đó, năm 2022, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy đã tiếp nhận 134.542 đơn vị máu toàn phần, tất cả đều hiến tình nguyện. Thời gian nghỉ tết (tháng 2) và nghỉ hè (tháng 7 và tháng 8) thì số lượng máu hiến máu thấp nhất trong năm.
Như vậy, số lượng tiếp nhận máu toàn phần năm 2022 tại Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy tăng 116% so với năm 2021 và tăng 400% so với năm 2020.
Riêng việc hiến tiểu cầu, năm 2022, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy tiếp nhận 14.674 đơn vị, trong đó chủ yếu là hiến chuyên nghiệp (chiếm 94,8%), hiến tình nguyện chiếm 5,2%.
Kết quả sàng lọc máu hiến cho thấy một số mẫu có nhiễm viêm gan B, viêm gan C, sốt rét, HIV, giang mai…
Về tồn tại, theo Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, hiện số đợt tiếp nhận máu lưu động bị hủy đột xuất còn cao (16%) và số lượng máu tiếp nhận dưới 150 đơn vị/đợt khá cao (26%). Số lượng hiến tiểu cầu tình nguyện còn thấp (5,2%).
Kế hoạch trong năm 2023, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy sẽ vận động hiến máu tình nguyện với số lượng 135.000 đơn vị máu toàn phần và 15.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách.
Trung tâm hỗ trợ công tác tập huấn kiến thức về vận động, tổ chức hiến máu tình nguyện; hỗ trợ tập huấn cập nhật kiến thức về an toàn truyền máu cho bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên.
Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy tiếp nhận trung bình 500 đơn vị máu toàn phần (350 ml/đơn vị) và cung cấp khoảng 500 – 600 khối chế phẩm máu cho 72 bệnh viện tại TP.HCM và 5 tỉnh miền Đông Nam bộ, với dân số trên 10 triệu người.
TS-BS Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, kiêm phụ trách Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, cho biết máu trong cơ thể người được hình thành từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có tiểu cầu. Đây là tế bào nhỏ nhất trong máu, không có nhân và được sinh ra từ tủy xương. Người bình thường có khoảng 150.000 – 300.000 tiểu cầu trong mỗi mm3 máu. Đời sống tiểu cầu trung bình từ 8 – 12 ngày. Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình bao gồm cầm máu ban đầu, tạo cục máu đông, co mạch, miễn dịch,… Trong đó, chức năng chính của tiểu cầu là cầm máu, tức làm dừng quá trình chảy máu tại nơi thành mạch bị tổn thương.
Bình luận (0)