Trùng hợp, thời điểm trung thu năm nay cũng là lúc siêu trăng cuối cùng trong năm 2023 xuất hiện. Nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam chỉ ra một vài hiểu lầm phổ biến về trăng rằm tháng 8 và các pha của mặt trăng.
Khi nào trăng tròn?
Theo nhà nghiên cứu, mặt trăng không tự phát sáng mà chỉ phản xạ ánh sáng từ mặt trời. Do đó, luôn có đúng một nửa của nó nhận được ánh sáng từ mặt trời, còn nửa còn lại thì tối.
Khi mặt trăng chuyển động quanh trái đất, phần được chiếu sáng của nó có lúc hướng toàn bộ về phía trái đất, có lúc chỉ một phần và có lúc hoàn toàn không hướng về trái đất. Đó là lý do mà chúng ta nhìn thấy các pha tròn, khuyết, bán nguyệt, lưỡi liềm... của mặt trăng.
Theo đó, mỗi chu kỳ trăng luôn có một lần mà toàn bộ phần được chiếu sáng của nó hướng về phía chúng ta, các nhà thiên văn gọi đó là điểm trăng tròn. Điểm này có thể rơi vào ngày 15 hoặc 16 trong tháng âm lịch.
“Không hề có bất cứ ngoại lệ nào trong số những lần trăng tròn như vậy, hay nói cách khác trăng rằm tháng 8 không hề tròn hơn những tháng khác”, ông Sơn nói.
Lớn hơn và sáng hơn?
Nhà nghiên cứu cho biết khoảng cách trung bình từ mặt trăng tới trái đất là 384.000 km. Nhưng vì quỹ đạo của nó trên thực tế là hình elip nên mặt trăng có lúc ở gần và có lúc ở xa hơn một chút so với khoảng cách này.
Thông thường, mỗi năm thường có 1, 2 hoặc có thể 3 lần mà trăng tròn rơi vào đúng thời điểm mặt trăng đang ở gần điểm cận địa (điểm gần trái đất nhất trên quỹ đạo của nó). Khi đó từ trái đất, chúng ta thấy trăng lớn hơn và sáng hơn một chút và gọi hiện tượng đó là siêu trăng.
“Tuy nhiên, siêu trăng cũng không có sự ưu tiên nào cho tháng 8 âm lịch cả. Vì thế, hoàn toàn không có việc cứ rằm tháng 8 thì trăng sáng hơn. Một cách giải thích khác về niềm tin này là rằm tháng 8 thường rơi vào tháng 9 dương lịch.
Thời điểm này là mùa thu và ở nhiều khu vực của Việt Nam (nhất là các tỉnh phía Bắc) trời thường ít mây, sau giai đoạn trước đó thường có nhiều mây và mưa, cộng thêm tâm lý văn hóa về ngày trung thu, nên người ta thấy trăng tròn dường như sáng hơn những tháng trước đó”, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam nói thêm.
Một điều thú vị nữa bạn nên biết là xác suất mà điểm trăng tròn (lúc nó tròn gần như hoàn hảo) rơi vào ngày 16 âm lịch cao hơn rơi vào ngày 15. Lý do là vì chu kỳ pha của mặt trăng là 29,53 ngày, có nghĩa là nửa chu kỳ (từ điểm hoàn toàn không trăng tới điểm tròn hoàn hảo và ngược lại) kéo dài khoảng 14,76 ngày.
Trong khi đó ngày mùng 1 âm lịch được quy ước là ngày có chứa điểm hoàn toàn không trăng (trong âm lịch gọi là điểm sóc). Điểm đó có thể rơi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày mùng 1, cộng thêm nửa chu kỳ pha thì sẽ ra gần đúng điểm trăng tròn. Như vậy, chỉ cần điểm sóc rơi vào đâu đó quá 7 giờ sáng ngày mùng 1 của tháng âm lịch nào đó, thì điểm trăng tròn sẽ rơi vào ngày 16 thay vì 15.
Bình luận (0)