Theo tập quán văn hóa, đây là dịp để các thành viên trong gia đình quay quần bên nhau thưởng thức trà với bánh nướng, bánh dẻo cùng trái cây theo mùa của ngày Rằm tháng tám (Âm lịch).
Thói quen rước đèn, phá cỗ trông trăng ấy đã có từ bao đời như một nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi khi thu về, tuy nhiên với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, mọi thứ thay đổi không còn như xưa khiến nhiều thế hệ đi trước phải ngậm ngùi suy tư và các bậc phụ huynh đều cố gắng nghĩ ra đủ hoạt động vào ngày này để “níu kéo” ký ức tuổi thơ của chính mình cho các con được tham gia chung vui.
|
Hình tượng duy nhất chỉ xuất hiện trong mâm cỗ trang trí cho ngày Trung thu chính là con chó được làm bằng bưởi. Để làm được nó, chỉ có những cô giáo hay các bác khéo tay trong trường học và phường, xã mới có thể kết được các múi bưởi đã bóc lên khung hình cũng làm bằng vỏ bưởi hoặc quả cam gắn lên thân quả đu đủ. Sau đó, các cô sẽ trang trí cho nó có mắt mũi bằng quả nho tím rồi thắt nơ thật xinh ở cổ hay trên tai rất đẹp mắt và cần sự tỉ mỉ.
Ngoài ra, những chiếc bánh nướng bánh dẻo truyền thống thì chỉ có nhân thập cẩm, đậu xanh trứng sẽ bày xung quanh. Có mâm cỗ chi tiết hơn thì sẽ được sắm bánh dẻo hình con cá, bánh nướng hình đàn heo đựng trong giỏ tre. Bên cạnh có thêm thật nhiều loại quả khác nhau được sắp xếp bắt mắt cùng đèn ông sao.
Cỗ xưa là thế, cỗ nay đơn giản đi ít nhiều nhưng lại phức tạp cái khác như các loại bánh phá cách xuất hiện tràn ngập. Từ bánh nướng trà xanh đến bánh dẻo khoai môn, sô-cô-la cũng có thể làm được bánh trung thu với nhân phô-mai; thậm chí, các thương hiệu đắt tiền còn sản xuất cả bánh trung thu yến sào, bào ngư vi cá chứ không còn đơn thuần nhân thập cẩm hạt dưa với lạp xưởng, hạt sen và lá chanh.
Chị Nga (ở Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM) chia sẻ rằng, cũng may là nhà chị sống tại khu phố người Hoa nên phong tục tập quán cũng tương tự, trẻ con nhà chị cứ đến Trung thu còn gia nhập đội múa lân đi khắp phố rất là vui.
|
Trước đây, khi đất nước còn khó khăn thì các gia đình muốn có đèn chơi trung thu đều phải tự làm chứ không thể mua sẵn. Những thanh tre, giấy kính các màu được bày bán và cảnh tượng bố mẹ dạy con cùng dán đèn là điều hiển nhiên nên kỷ niệm của thế hệ 6x, 7x vẫn còn đó.
Đến 8x, 9x thì được mua sẵn nhưng còn các bạn nhỏ bây giờ thì có khi chỉ cần mua đồ chơi vào ngày này là vui chứ nếu không ai chia sẻ về chiếc đèn ông sao hay đèn cá chép thì các bạn ấy cũng không mấy bận tâm.
Hoạt động thi đua xem lớp nào, phường nào bày cỗ đẹp hơn cũng không còn phổ biến nữa nên trẻ em cũng không còn cơ hội được cầm trên tay đèn ông sao mà háo hức đi rước đèn phá cỗ dưới trăng rằm tháng tám nữa.
Vì vậy, nhiều gia đình bây giờ cũng cố gắng tạo ra hoạt động ngoại khóa cho con vào cuối tuần để các bạn nhỏ có thể hiểu hơn về ngày lễ truyền thống đầy thú vị này.
Như BTV Minh Trang (VTV) cho biết, “Hằng năm thì bảo tàng dân tộc học là nơi thường tổ chức các buổi hướng dẫn làm đồ chơi trung thu thủ công rất bổ ích. Bản thân mình thì đã cho bé Daisy tham gia làm mặt nạ bằng giấy bồi cùng một số người bạn để trẻ vừa chơi vừa học cách trân trọng công sức làm ra một sản phẩm hoàn thiện từ A đến Z là như thế nào.”
Không chỉ dừng lại ở các món ăn và đồ chơi đặc trưng đó, sự hiện diện của con cháu trong gia đình bên cạnh ông bà, bố mẹ mới là điều kiện đủ để có một ngày tết trung thu ý nghĩa thực sự. Tuy nhiên, thời đại đã thay đổi thói quen ấy thành bữa ăn ngoài nhà hàng và cuộc dạo quanh ngắm phố phường lên đèn lung linh của các bạn trẻ hay những gia đình không có nhiều thời gian để chuẩn bị bày cỗ tại nhà.
Mọi thứ có thể linh động vì hoàn cảnh, nhưng nếu như không quá bận rộn hay ở hoàn cảnh xa nhà, bạn hãy về nhà vào ngày này để cùng người thân có một Tết trung thu đáng nhớ. Đăc biệt đối với trẻ nhỏ, nếu bạn là cha là mẹ thì nên đem tặng cho con kỷ niệm tuổi thơ như chúng ta đã từng có, đừng để chúng chỉ biết quan sát qua điện thoại mọi thứ mà không đọng lại chút hình ảnh ý nghĩa nào của Tết trung thu.
Bình luận (0)