Trung thu, xóm lồng đèn giấy ở Sài Gòn vẫn chộn rộn cạnh tranh hàng Trung Quốc

22/09/2017 09:41 GMT+7

Những tưởng nghề làm lồng đèn truyền thống đã bị quên lãng vào 10 năm trước, đèn điện tử Trung Quốc 'đổ bộ' ồ ạt. Thế nhưng, giờ đây làng nghề làm lồng đèn truyền thống Phước Bình đang hồi sinh và dần khởi sắc.

Thay đổi để hoàn thiện
Nằm sâu trong con hẻm trên đường Lạc Long Quân, Q.11 (TP.HCM), xóm nhỏ Phước Bình mỗi ngày vẫn đón khá nhiều khách đến tham quan, đặt mua lồng đèn.
Làng nghề Phước Bình có tiếng từ những năm 1990, khi những người dân Nam Định di cư vào Nam lập nghiệp. Đây là nơi cung cấp lồng đèn truyền thống cho các đầu mối ở chợ Lớn, chợ Bà Chiểu, chợ Bà Hoa… hay phố lồng đèn Lương Nhữ Học.
Điểm đặc biệt của đèn lồng Phước Bình là chuyên sử dụng cây lồ ô của vùng Bình Lâm, Bình Phước. Vì chúng dẻo và có độ đàn hồi vừa phải, lại bảo quản được lâu.
Một ngày ở Phước Bình bắt đầu lúc 7 giờ sáng, mọi người cùng nhau cắt, dán giấy, vẽ màu. Để kịp những lô đèn xuất đi dịp Tết trung thu, họ đã phải chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 3 âm lịch. Những thân lồ ô rắn rỏi, cao 6m được tuyển chọn kỹ càng, sau đó đem chẻ ra, phơi nắng và ngâm nước.
Làm nên diện mạo của đèn lồng là lớp giấy kiếng bên ngoài. Loại được sử dụng chủ yếu là giấy kiếng đỏ. Vì giấy kiếng đỏ dễ vẽ màu và thắp nến lên rất nổi bật.
Diện mạo mới đã về với Phước Bình 1
Chú Bình đang ráp nối phần đầu với phần mình của lân. Ảnh: Hoàng Quyên
Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn sử dụng giấy mờ. Giấy mờ thường được sử dụng cho những khung hình lớn để dễ tô, vẽ.
Hồ dán là bột năng được nấu lên cho có độ sánh vừa phải. Màu mua về phải được pha thêm nước để không bị đặc và vón cục. Chỉ những người có con mắt nhà nghề mới đánh giá “đúng chuẩn” độ sánh của hồ dán và màu nước.

tin liên quan

Bánh trung thu 'công nghiệp' ế ẩm
Chỉ còn gần nửa tháng nữa là đến rằm tháng 8, song thị trường bánh trung thu tại Hà Nội vẫn trong tình cảnh đìu hiu. Nhiều đại lý, cửa hàng thu hút khách bằng cách tăng chiết khấu, giảm giá thành nhưng vẫn ế.
Là người theo nghề hơn 40 năm, ông Nguyễn Trọng Thành (hơn 50 tuổi, ngụ Q.11) chia sẻ: “Vài năm trước, làng nghề tưởng như bị đóng cửa, tôi khá buồn và nhớ nghề. Thật hạnh phúc khi Phước Bình đang chộn rộn trở lại mùa trung thu".
Ông Thành và 20 hộ dân làm lồng đèn ở đây luôn dõi theo nhu cầu của thị trường và thay đổi để để hoàn thiện nhưng vẫn phải giữ được nét truyền thống của kiểu lồng đèn thân thuộc. Năm nay, thân đèn có thêm chữ Lộc, chữ Tài và được đính thêm kim tuyến rất cầu kỳ.
Bên cạnh những dáng đèn phổ biến như đèn cá chép, cá vàng, con lân, chim… thì đèn lồng con gà cũng khá được ưa chuộng.
Diện mạo mới đã về với Phước Bình 2
Một bạn trẻ theo học nghề được vài tháng nay. Ảnh: Hoàng Quyên
Tre già, măng mọc
Trong gian nhà nhỏ, đại gia đình ông Thành đang quây quần làm lồng đèn. Thi thoảng, những tiếng vặn kẽm, tiếng khuấy bột, tiếng cắt dán giấy len lỏi giữa những thanh âm chát chúa từ khu chợ gần đó vang vào.
Ông Thành tâm sự: “Tôi theo nghề từ năm 9, 10 tuổi. Hồi đó, thấy ba làm, tôi học theo từ những chiếc nan lồ ô bị loại vì không đủ tiêu chuẩn hay những miếng giấy kiếng chắp vá. Càng học tôi càng thấy thích, thế là ba cho tôi theo nghề. Nghề làm lồng đèn như ăn sâu vào máu rồi, không bỏ được”.
Cũng theo ông Thành, điểm khó nhất trong công đoạn làm đèn lồng là vẽ màu. Làm nên những cú vẩy màu rất khéo và rất nhẹ là sự tỉ mỉ, khéo tay và đòi hỏi kinh nghiệm. Người không quen tay, dễ làm màu bị lem và đậm nhạt không đều.
Ở góc nhà, anh Nguyễn Trọng Bình (43 tuổi, là em trai ông Thành) đang thoăn thoắt bẻ những gọng đèn cho ra hình ngôi sao. Ông Bình cũng là một tay lão làng trong nghề. Kể ra, ông Bình đã theo nghiệp từ năm 4, 5 tuổi.
Không ngơi tay, ông Bình chia sẻ: “Tôi thật sự rất vui vì nhìn thấy sự hồi sinh của đèn lồng Phước Bình. Những người làm nghề như tôi cảm thấy thật ấm lòng khi nhìn các em nhỏ vui vẻ cầm lồng đèn truyền thống đi chơi. Nghề làm lồng đèn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nếu không có tình yêu nghề sẽ dễ bỏ cuộc. Tôi sẽ theo nghề cho đến khi nào không đủ sức để làm nữa thì thôi”.
Mỗi dịp tết trung thu, trung bình gia đình ông Thành bán được hơn 1.000 chiếc lồng đèn. Mỗi chiếc lồng đèn dạng trung có giá dao động trên 100 ngàn, tùy hình thù. Bên cạnh những người đến đặt mua, các doanh nghiệp cũng đưa mẫu sẵn để ông làm theo yêu cầu.
Ông Thành cũng đã gửi vài mẫu đèn xuống miền Tây, thậm chí ra Bắc, vừa để chào hàng vừa để giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của lồng đèn Phước Bình.

tin liên quan

Cho các bé trải nghiệm sân chơi trung thu truyền thống
Đã là năm thứ hai nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền mở sân chơi trung thu "Cùng bé sáng tạo". Năm ngoái, sân chơi này được tổ chức ở Bảo tàng Mỹ thuật VN, còn năm nay tại không gian Văn Miếu vào ngày 4.9.
Gian nhà nhỏ bây giờ không chỉ có ông Thành, ông Bình, mà còn có những cụ già, em nhỏ trong xóm xúm xít cắt, dán giấy lên những khung đã vẽ sẵn. Nhìn các em hứng khởi, hào hứng, bỗng dưng tôi lại liên tưởng đến hình ảnh ông Thành, ông Bình 40 năm về trước.
Làng nghề truyền thống Phước Bình đang dần lấy lại vị thế nhờ tư duy thay đổi của các nghệ nhân và những giá trị lâu dài mà đèn lồng giấy kiếng mang lại. Mặt khác, một lớp thế hệ măng non đang tiếp bước cha anh đi trước, khiến nơi đây thay màu đổi sắc mà vẫn lưu giữ cái hồn mộc mạc của làng nghề truyền thống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.