Nhìn nhận tham nhũng đang thách thức Quốc hội, thách thức sự chịu đựng của nhân dân, tại phiên thảo luận hôm qua các đại biểu Quốc hội đã đề xuất những giải pháp quyết liệt, táo bạo cho “cuộc chiến” này.
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), phòng chống tham nhũng dù được chỉ đạo triển khai quyết liệt nhưng chưa đạt mục tiêu, diễn biến ngày càng phức tạp. Tình trạng tham nhũng vặt, tham nhũng nhỏ lẻ hay chi phí không chính thức tuy thiệt hại không lớn, có khi chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng diễn ra ở nhiều nơi. Không ít vụ tham nhũng chưa được phát hiện kịp thời, có nơi người có trách nhiệm chống tham nhũng lại tham nhũng. Ngược lại, người chống tham nhũng chưa được bảo vệ an toàn, chưa có cơ chế hữu hiệu, hành động cụ thể bảo vệ những người dũng cảm phát hiện, tố cáo đúng những hành vi tham nhũng.
|
“Họ thực hiện ba chạy”
ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cũng lo lắng nhận định: một số vụ án có biểu hiện tham nhũng cho thấy còn nể nang, né tránh, xử lý kéo dài, cấp càng cao thì số vụ bị phát hiện xử lý ít hơn so với cấp dưới, còn nhiều vụ chưa quy rõ trách nhiệm cá nhân của từng người đứng đầu, từng cấp, từng ngành. “Khi tôi đi tiếp xúc cử tri, cử tri lo lắng, hoài nghi, bức xúc, nhất là các chú cán bộ hưu trí nói trước đây Chính phủ, nhà nước quản lý điều hành các tổng công ty, tập đoàn còn hiện nay hình như là ngược lại, các tổng công ty, tập đoàn điều hành lại Chính phủ, nhà nước và việc phòng, chống tham nhũng chủ yếu chỉ là hình thức”, bà Linh phản ánh.
|
Không vòng vo, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm yếu kém, sai sót trong việc phát hiện tham nhũng nhiều, xử lý nhẹ “có tiêu cực không, có lợi ích nhóm không, có độc lập trong điều tra khởi tố, xét xử hay không?”. Theo bà Khá, nhiều cử tri cho rằng các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng đã tính toán kỹ đường đi, nước bước để đạt được mục đích và họ liên kết với nhau để cùng che giấu tội, chạy tội. “Khi bị phát hiện vi phạm, họ thực hiện ba chạy: chạy từ có tội thành không tội; chạy từ tội lớn thành tội nhỏ, từ hình sự sang hành chính; chạy từ tù ngồi sang tù treo”, bà Khá nói.
Để chống được tham nhũng, ĐB Khá đề nghị “xử lý pháp luật phải nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không có vùng cấm, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tạo điều kiện bảo vệ, giảm tội người tự nguyện khai báo, tố giác tội tham nhũng trong việc đưa và nhận hối lộ”. Kèm theo đó, phải thực hiện cho được 4 chống: chống bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, bao biện, trù dập; chống đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, xin cho, bắt tay, móc nối; chống chạy thành tích, chạy chức, chạy dự án, chạy trách nhiệm, “được thì ưu điểm thuộc về tôi, sai trái, khuyết điểm thuộc về chúng ta” và chống để tội phạm trốn ngoài vòng pháp luật do lộ thông tin.
Thay đổi cách đánh và cả người đánh
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã bắt đầu phần phát biểu bằng nhận xét: “Nếu kết luận số 21 của Ban Chấp hành T.Ư nhìn nhận tham nhũng đã thách thức sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước thì tôi xin nói thêm tham nhũng cũng đã thách thức Quốc hội (QH), cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nguy hiểm hơn, tham nhũng còn thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân”.
“Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Lâu nay nhiều người vẫn dùng từ cuộc chiến chống tham nhũng nhưng tôi cho rằng cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu đã xảy ra thì cũng chưa quyết liệt lắm vì hai bên chưa thương vong nhiều. QH cần bàn kỹ hơn về cuộc chiến này và phương án tác chiến hiệu quả hơn. Muốn thắng được tham nhũng, đã đến lúc phải thay đổi cách đánh và cả người đánh”, ông Nhã đề nghị.
|
Về “cách đánh”, ông Nhã gợi ý: đánh tham nhũng phải như đánh tội xâm phạm an ninh quốc gia, có nghĩa là điều tra, truy tố, xét xử một kẻ xâm phạm an ninh quốc gia, một tên gián điệp, một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố như thế nào thì cũng được phép áp dụng biện pháp đó để điều tra kẻ tham nhũng. “Phải đánh từ ngoài vào, đánh từ trên xuống, cấp T.Ư sẽ đánh tham nhũng ở cấp tỉnh, cấp tỉnh đánh xuống cấp huyện, huyện thì đánh xuống xã. Để thực hiện cách đánh này, cần tổ chức lại lực lượng chủ công", ông Nhã nói.
Theo ông Nhã, đây là thời điểm chín muồi để QH quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng, nếu không điều tra được tất cả thì cũng phải tập trung vào 3 tội danh là tham ô, hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Cơ quan chuyên trách này sẽ tập trung vào việc tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác về tội phạm tham nhũng, khởi tố điều tra truy tố ra tòa án những người phạm tội tham nhũng; được quyền điều động hoặc nhận biệt phái những điều tra viên, trinh sát viên xuất sắc có bản lĩnh nhất từ các cơ quan điều tra và trao thực quyền cho lực lượng này để họ được độc lập trong điều tra tham nhũng.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng tán thành phải có một lực lượng điều tra chuyên trách về chống tham nhũng độc lập cả với công an, để cơ quan này “chỉ bắt những ông lớn, chứ còn những ông nhỏ thì ngay con mèo nó ăn miếng mỡ đã bắt được rồi, còn con cọp bắt con heo thì chưa ai bắt được, hoặc bắt được rất ít”.
Còn theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Nam, “muốn chống giặc tham nhũng phải có đội quân nòng cốt. Lãnh đạo chỉ đạo của Đảng thì rõ rồi nhưng cơ quan chống tham nhũng hiện nay đang bị chia cắt và yếu ớt. Nếu không được tổ chức lại thành một cơ quan có sức đủ mạnh, đủ quyền, đủ tầm được lãnh đạo chặt chẽ thì phòng, chống tham nhũng vẫn chỉ là mong muốn, là quyết tâm chính trị mà thôi”.
Mở cuộc vận động từ chức
Sức nóng từ các ý kiến thảo luận phiên sáng lan sang cả phiên chiều khi ngay đầu giờ, Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát (Viện KSND tối cao) Đỗ Văn Đương đề xuất: Năm 2013 và những năm tiếp theo, cần phải mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ công chức tự tiết chế lòng tham, hãy dùng đôi mắt lương tâm của mình xem mình làm giàu bất hợp pháp đến mức nào, gây thiệt hại gì cho dân.
Đặc biệt, theo ông Đương, cần mở cuộc vận động từ chức, trước hết đối với các bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh trong các lĩnh vực để xảy ra bê bối, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng. “Phấn đấu chức, quyền là một việc khó, giữ được chức, quyền còn khó hơn nhưng dám từ chức, từ bỏ chức vụ thì thực sự là anh hùng. Nếu không làm được điều đó thì tới đây cũng nên đưa một số bộ trưởng ở lĩnh vực mà dân bức xúc, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, xăng dầu, thủy điện ra bỏ phiếu, thăm dò tín nhiệm”, ông Đương nêu quan điểm, và đề nghị: Năm 2013, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an cần tập trung phối hợp chặt chẽ, đột phá vào lĩnh vực cử tri bức xúc như ngân hàng, đất đai, khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản, các dự án sử dụng vốn và tài sản công, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có dấu hiệu làm ăn thua lỗ, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng để kịp thời ngăn ngừa, xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm, xử lý hình sự, thu hồi tài sản cho nhà nước.
Để xây dựng niềm tin trong dân về quyết tâm chống tham nhũng của hệ thống chính trị, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) đề xuất “ngay trong kỳ họp này, nên chăng QH cần có một thông điệp đến với cử tri và nhân dân cả nước về việc 498 ĐBQH và toàn bộ thành viên của Chính phủ tuyên hứa trước quốc dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, chống tham nhũng có hiệu quả và bản thân của mỗi ĐB, mỗi thành viên Chính phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng”.
Nguyệt Minh
>> Quốc hội cần lập cơ quan độc lập điều tra tội phạm tham nhũng
>> Xử lý chủ yếu là “tham nhũng vặt”
>> Xử lý tham nhũng chưa nghiêm
>> Thuế và tham nhũng
>> “Đến bà quét rác cũng có thể tham nhũng”
>> Dự luật Đất đai sửa đổi: Chưa “bịt” được kẽ hở tham nhũng
>> Loại bỏ tham nhũng, bảo đảm quyền lợi của dân
>> Tham nhũng, trục lợi đất đai gây bất bình trong nhân dân
>> Chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ: Vinalines và nạn tham nhũng
Bình luận (0)