Trùng tu tòa biệt thự cổ bỏ hoang trị giá 35 triệu USD

Đình Sơn
Đình Sơn
02/01/2019 18:58 GMT+7

Tòa biệt thự cổ gần 100 năm tuổi ở địa chỉ số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) bị bỏ hoang từ năm 2015 đến nay đã được cấp phép trùng tu lại.

Ngày 2.1, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết đã cấp phép cho Công ty Stonewest Limited là nhà thầu của công trình. Do căn biệt thự cổ nằm trong danh sách được bảo tồn nên chủ công trình chỉ được trùng tu, sửa chữa nguyên trạng mà không được xây dựng mới.
Được biết vào cuối năm 2015, Công ty Minerva mua lại căn biệt thự trên từ hai cụ bà Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và cụ Nguyen Kim Sa Dang (sinh năm 1934, định cư tại Mỹ), với giá trị 35 triệu USD. Từ đó căn biệt thự được rào chắn cẩn thận bằng hàng rào cây xanh và đóng cửa cho đến nay.
Mới đây trong một hội thảo về “Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM”, kiến trúc sư người Pháp Nicolas Viste, là trưởng nhóm trùng tu căn biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần, cho rằng biệt thự này được xem là báu vật quốc gia nhờ vào các thiết kế mô phỏng một cách đặc biệt về văn hóa Việt Nam. Nhà thiết kế biệt thự này đã chọn lựa những phương pháp tân tiến nhất và vật liệu chất lượng nhất thời đó để tạo nên một kết cấu biệt thự bền vững theo thời gian.
Căn biệt thự được xem là báu vật quốc gia Sơn Sơn
Để trùng tu căn biệt thự này, ông đã phải nhờ đến các chuyên gia và người lớn tuổi tại Huế, Đức, Ý để nghiên cứu về nước sơn, tranh tường cũng như phương pháp sơn, vẽ được sử dụng tại căn biệt thự. Ông cũng nhờ ông Sebastian, một bậc thầy về đồ sắt người Pháp hỗ trợ về các họa tiết trang trí bằng sắt được sử dụng trong căn biệt thự. Các chuyên gia đã cùng nhau nghiên cứu, khảo sát trong khoảng thời gian gần 3 năm. Dự kiến tòa nhà sẽ được trùng tu vào đầu năm 2019 và phải mất 3 năm mới hoàn thành.
Đầu tiên là sẽ phá bỏ những dãy nhà xung quanh được xây dựng sau này, sau đó sẽ trùng tu tòa nhà chính, hội trường âm nhạc, các nhà phụ, vườn, ba cổng vào và hàng rào. Do tòa nhà đã gần 100 năm tuổi nên nhiều thành phần bị hư hại theo thời gian, nhất là phần nóc nhà, các bức bích họa, nước sơn cùng những bong tróc phần bên ngoài.
Các chuyên gia rất vất vả trong việc trùng tu căn biệt thự theo nguyên bản Sơn Sơn
Theo kiến trúc sư Nicolas Viste, khó khăn nhất của công trình là phải trùng tu tòa nhà sát với phiên bản gốc nhất có thể. Do đó, để sửa chữa chúng, đội ngũ của ông phải tìm ra được những vật liệu phù hợp. “Khi xây dựng tòa nhà này, chủ nhân của nó đã lựa chọn những nguyên vật liệu quý, hiếm rất khó tìm thời đó. Như gạch ceramic được thiết kế tại Việt Nam và sản xuất ở Pháp. Khung sắt ở lan can đặt tại Pháp, Đức và vận chuyển đường biển về Việt Nam lắp đặt. Kính thông gió, cửa kính được sản xuất từ những năm 20 của thế kỷ trước từ châu Âu. Tranh tường do họa sĩ chuyên nghiệp vẽ...", kiến trúc sư Nicolas Viste cho biết.
Căn biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần có 3 mặt tiền là Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu. Thời gian xây dựng vào những năm 1920-1930 trên diện tích khu đất 2.800 m2. Căn biệt thự trên có tên là biệt thự Phương Nam do ông Nguyễn Văn Nhiều là chủ nhân. Sau đó căn biệt thự này thuộc về hai người là Đặng Kim Chi và Nguyen Kim Sa Dang. Năm 2015, hai cụ Chi và cụ Dang đã bán cho Công ty cổ phần Minerva, do ông Dương Hoàng Danh (sinh năm 1973) làm Tổng giám đốc với giá trị 35 triệu USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.