Trúng tuyển phỏng vấn xin việc, 10 ngày sau nhận câu trả lời: 'Các sếp từ chối'...

25/08/2023 09:16 GMT+7

Nhiều ứng viên tìm việc đã lọt vào sâu các vòng phỏng vấn, nhưng họ quyết định dừng lại vì cảm thấy sự thiếu chuyên nghiệp và phiền toái mà đơn vị tuyển dụng tạo nên...

Ứng viên bị "leo cây"

Đầu tháng 8.2023, Hoàng Văn Phong (24 tuổi), ngụ tại P.14, Q.10, TP.HCM, nộp hồ sơ xin việc vào một công ty công nghệ tại TP.HCM. Liên lạc nhiều lần nhưng không thấy người tuyển dụng phản hồi, Phong nghĩ hồ sơ đã trượt. Gần 2 tuần sau, Phong lại được đại diện công ty này mời phỏng vấn trực tuyến.

"Mình đã rất cố gắng để sắp xếp thời gian để tham dự phỏng vấn. Thế nhưng khi tới giờ hẹn, mình chờ hơn 30 phút vẫn chưa được vào phỏng vấn. Mình cố gắng liên lạc nhưng người tuyển dụng không trả lời tin nhắn, gọi điện cũng không nghe. Vì bị cho "leo cây", mình quyết định loại công ty ra khỏi tâm trí, tiếp tục hành trình tìm kiếm công việc mới", Phong kể.

Ứng viên 'quay xe' với nhà tuyển dụng - Ảnh 1.

Những tháng gần đây, các đơn vị tuyển dụng nhận được nhiều hồ sơ ứng tuyển công việc hơn

Trí Nghĩa

"Mình có cảm giác một số công ty đăng tuyển nhưng không thực sự cần ứng viên. Dù họ đăng tin tuyển trên các nhóm mạng xã hội rất thường xuyên. Có một công ty gọi mình đi phỏng vấn yêu cầu kinh nghiệm 4-5 năm. Nhưng sau khi phỏng vấn, người tuyển dụng lại nói là chỉ tuyển người mới ra trường. Điều này rất mất thời gian", Nguyễn Hữu Lâm (27 tuổi), ngụ tại Q.7, TP.HCM, từng hoang mang vì sự khó hiểu của một số đơn vị tuyển dụng. 

Cuối năm 2022, T. (29 tuổi), ngụ tại P.Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, ứng tuyển vào công ty ngành esports (thể thao điện tử) với vị trí nhân viên sáng tạo nội dung. Quá trình phỏng vấn, người tuyển dụng đưa ra mức lương cao nên T. đã đồng ý ngay. Mặc dù trúng tuyển nhưng 10 ngày sau công ty vẫn im bặt. T. liên hệ lại đơn vị tuyển dụng và nhận được trả lời: "Các sếp từ chối".

Vài tháng sau, người tuyển dụng này lại gọi điện hỏi T. có cần tìm việc nữa không. Đúng lúc vừa nghỉ tại công ty cũ nên T. cũng nhận lời đi phỏng vấn. 

“Sau phỏng vấn lại là một quãng thời gian im lặng thân quen từ người tuyển dụng. Khi mình liên hệ trước hỏi về kết quả thì mới được phản hồi, hẹn thêm 10 ngày. Sau thời gian chờ đợi, người tuyển dụng vẫn không phản hồi. Mình đã quyết định dừng tham gia tuyển dụng tại công ty này”, T. mệt mỏi kể lại.

Chị Nguyễn Kim Ánh, quản lý nhân sự tại Công ty công nghệ ShineCommerce (TP.Hà Nội), nhận định có nhiều người tuyển dụng rất khó để liên lạc. Điều này làm cho ứng viên mất tin tưởng, đưa doanh nghiệp đó vào danh sách đen. Những sơ suất của người tuyển dụng, quản lý nhân sự khiến ứng viên không muốn đi theo công ty lâu dài.

"Đây là những đơn vị tuyển dụng thiếu chuyên nghiệp, không rõ ràng. Nhiều ứng viên cảm thấy mất thời gian, cảm xúc tệ đi vì chờ đợi trong tâm trạng rất mong có việc. Điều này khiến doanh nghiệp dễ bị mang tiếng xấu và cuối cùng không ai còn muốn ứng tuyển", chị Ánh bày tỏ.

Tuyển dụng không phải trách móc ứng viên

Một số người tuyển dụng có nhiều định kiến với ứng viên. Có người cho rằng gen z khó làm việc chung. Một người tuyển dụng đánh giá thấp những ứng viên thường xuyên tham gia hoạt động câu lạc bộ và có nhiều thành tích thi cử. Thậm chí những hồ sơ này còn bị đánh giá thấp hơn CV của các ứng viên có kinh nghiệm đi làm thêm ở quán trà sữa, quần áo... vì "thiếu va chạm xã hội".

Nguyễn Vũ Cảng Duyên (27 tuổi), chuyên viên quản lý tài khoản cấp cao của một công ty thương mại điện tử đa quốc gia, cho rằng bạn trẻ học giỏi, đạt giải cao vì có sự nỗ lực, kiên trì, dấn thân và vươn lên, đó là những người biết đào sâu nghiên cứu, dồn sức lực cho mục tiêu nhất định. Tố chất này có thể đem lại giá trị lớn, tạo ra những thay đổi và cải tiến cho doanh nghiệp.

"Những định kiến của người tuyển dụng có thể làm lung lay ý chí của ứng viên rất giỏi trong học tập. Bị một người không hiểu mình từ chối, không có nghĩa là mọi cánh cửa sẽ đóng lại. Có thể bạn sẽ có cơ hội lớn hơn, phù hợp hơn", Cảng Duyên bày tỏ quan điểm.

Ứng viên 'quay xe' với nhà tuyển dụng - Ảnh 2.

Cảng Duyên cũng từng tham gia nhiều câu lạc bộ khi còn sinh viên

NVCC

Bà Phan Thị Hạ, nhà sáng lập tổ chức hướng nghiệp phi lợi nhuận HR Companion, cho rằng ứng viên từ chối các đơn vị tuyển dụng do người tuyển dụng tại các doanh nghiệp chưa đủ kỹ năng. Họ muốn ứng viên phải có thái độ tốt. Trong khi có thể mình cũng chưa làm tốt công việc tuyển dụng.

Bà Hạ nhận thấy có nhiều người tuyển dụng không chủ động quan tâm ứng viên. Họ không giữ liên lạc thường xuyên với ứng viên, không nắm rõ thông tin của người xin việc. Cho đến khi ứng viên “quay xe” thì họ lại “cay cú” đi kể xấu. 

Bên cạnh đó, bà Hạ cũng cho rằng có rất nhiều người tuyển dụng mắc những lỗi cơ bản như gửi email chứa đường liên kết nên sẽ nằm trong thư rác. Sơ suất này khiến ứng viên không thể nhận được các thông báo.

Bà Hạ nêu thêm quan điểm để cải thiện khả năng thu hút nhân tài, thậm chí, người tuyển dụng nên học thêm tâm lý học để thấu hiểu và giao tiếp tốt với ứng viên. Có người lao động 3-5 năm mới thay đổi công việc. Vì vậy, khi đi xin việc lại, họ sẽ lúng túng. Người tuyển dụng nên nhẹ nhàng góp ý để giúp các ứng viên nhận ra sai sót. Không nên phản biện quá gay gắt.

“Đối với mình, khi ứng viên có thái độ không phù hợp, mình sẽ tự xem lại trình độ chuyên môn của mình có tốt hay không. Mình không săm soi và bắt lỗi ứng viên. Người tuyển dụng là người tư vấn nghề nghiệp chứ không phải người đi trách móc", bà Hạ khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.