Hệ thống đường cao tốc tại Việt Nam đang dần được phát triển hoàn thiện. Để rút ngắn phần nào thời gian di chuyển bằng ô tô, nhiều tài xế thường chọn các tuyến đường cao tốc để di chuyển. Tuy nhiên, nếu chuẩn bị không tốt về sức khỏe, kỹ năng lái cũng như tình trạng hoạt động của các bộ phận trên ô tô, các tài xế lái xe rất dễ gặp sự cố khi lái xe trên đường cao tốc. Thậm chí, có thể dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng như vụ việc xảy ra trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào ngày 18.2 vừa qua khiến 3 người trong cùng một gia đình thiệt mạng.
Do đó, trước khi quyết định chọn các tuyến đường cao tốc để di chuyển, các lái xe cần chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe, kỹ năng lái xe cũng như kiểm tra tình trạng phương tiện để góp phần đảm bảo an toàn khi lái xe trên đường cao tốc.
Với bản thân tài xế, trước khi lái xe trên đường cao tốc cần đảm bảo sức khỏe bản thân. Theo một số "tài già" có kinh nghiệm lái xe lâu năm, khi lái xe trên đường cao tốc thường hay gặp tình trạng buồn ngủ. Do đó, trước mỗi hành trình nên dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe. Trước khi chuẩn bị vào các tuyến đường cao tốc nên cho xe ghé lại các trạm dừng chân để nghỉ ngơi, vận động cơ thể để hạn chế "đau lưng, mỏi gối" khi lái xe.
Đặc biệt, một số tuyến đường cao tốc mới hiện nay tại Việt Nam có rất ít trạm dừng nghỉ, thậm chí một số tuyến cao tốc như Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hay Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan… vẫn chưa có các trạm dừng chân hay trạm tiếp nhiên liệu. Do đó, trước khi vào cao tốc nên tranh thủ ăn uống đầy đủ, đi vệ sinh… và chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết. Có thể uống cà phê, trà, nước tăng lực để tăng độ tỉnh táo, nhưng không nên lạm dụng.
Với phương tiện di chuyển, nên chú ý đổ thêm nhiên liệu hoặc sạc pin (với ô tô điện) để đảm bảo cho xe vận hành xuyên suốt. Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các trạm thu phí trên đường cao tốc đã triển khai hình thức thu phí tự động không dừng, do đó nếu là xe mới nên chú ý dán thẻ thu phí tự động không dừng. Với những xe đã dán thẻ, cần dành chút thời gian kiểm tra trên các ứng dụng đảm bảo số tiền trong thẻ còn đủ với mức phí khi đi qua trạm thu phí.
Đặc biệt, các chủ xe, tài xế nên dành thời gian kiểm tra một số bộ phận, chi tiết trên xe như lốp xe, hệ thống phanh, đèn chiếu sáng, kính lái… để đảm bảo xe có thể vận hành ổn định, an toàn trên đường cao tốc.
Với lốp xe - bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, nên chú ý kiểm tra hiện trạng cũng như áp suất lốp. Nếu phát hiện lốp có vết cắt sâu, bị rạn nứt bất thường hay độ mòn lớn hơn mức tối thiểu nên thay thế. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, lốp xe sử dụng khoảng 40.000 - 50.000 km sẽ có những thay đổi về kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu phát hiện lốp bị rạn nứt ngay cả khi chưa mòn tới giới hạn nên tính đến phương án thay thế để đảm bảo an toàn.
Lái xe cũng nên chú ý đến áp suất từng lốp xe. Hiện nay, một số xe đời mới được trang bị hệ thống cảnh báo áp suất lốp, thông tin từng lốp xe luôn hiển thị trên bảng đồng hồ trung tâm. Thông số áp suất tiêu chuẩn của từng lốp thường được dán trên thành cửa trước phía người lái. Nếu lốp được bơm quá non hoặc quá căng sẽ dẫn đến việc bị mòn không đều và tuổi thọ lốp sẽ bị giảm và dễ dẫn đến nguy cơ nổ lốp.
Với hệ thống phanh nên chú ý kiểm tra thông qua việc quan sát lượng dầu phanh, đạp phanh để kiểm tra tình trạng phanh có còn hoạt động tốt hay không. Tương tự, cũng nên quan sát, kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng. Kính lái và các gương chiếu hậu trên xe cũng cần vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo tầm quan sát cho người lái.
Bình luận (0)