Trưởng ban Kinh tế trung ương chia sẻ với sinh viên về khái niệm 'người giàu'

Hà Ánh
Hà Ánh
10/10/2018 12:26 GMT+7

Trong lễ khai khoá năm học mới, hơn 1.000 sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã được chia sẻ câu chuyện đầy cảm hứng về khái niệm “người giàu”.

“Sinh viên là người giàu có nhất”

Sáng nay (10.10), ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức lễ khai khoá năm 2018. Tham dự buổi lễ, ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng-Trưởng ban Kinh tế trung ương, đã có buổi nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên của ĐH này về chủ đề: "Vai trò của ĐH đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập".

Phát biểu trước sinh viên, ông Bình chia sẻ: “Sau gần 40 năm rời ghế nhà trường, hôm nay tôi mới được sống lại không khí sinh viên. Tôi xin khẳng định lại, đấy là quảng đời đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người”.

Sau bài phát biểu chính thức, ông Nguyễn Văn Bình đứng ngay trên sân khấu kể câu chuyện truyền cảm hứng tới sinh viên về cách hiểu đúng về khái niệm “người giàu”.

Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu trước các sinh viên  - Ảnh Khả Hoà

Ông Bình cho biết muốn kể câu chuyện để giúp sinh viên định hướng rõ hơn sứ mệnh của mình với TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung.

Ông Bình bắt đầu câu chuyện của mình khi mới tốt nghiệp ĐH và vinh dự được tham gia đoàn công tác đi Nhật Bản ở tuổi 25. Trong đợt đi này, ông Bình là thành viên duy nhất trong đoàn nhận được lời mời đi ăn của một chủ tịch tập đoàn Nhật Bản.

“Ông chủ tịch tập đoàn tiếp tôi trong  ngôi nhà cổ, cả nhà hàng chỉ có 2 người. Nhìn thấy sự hồi hộp của tôi, ông chủ tịch tập đoàn cho biết lý do mời tôi vì nhìn tôi ông nhớ lại 60 năm trước của mình”, ông Bình kể lại.

Chia sẻ thông điệp mình nhận được từ ông chủ tịch tập đoàn ấy, ông Bình kể tiếp l72i ông chủ tập đoàn: “Đến nay sau 60 năm, ở Nhật Bản người ta nói tôi là người giàu nhất nước. Ngày xưa khi 20 tuổi như anh tôi chỉ muốn có 1 chiếc xe hơi để đi đó chỉ là ước mơ. Còn ngày nay người ta nói tôi rất giàu nhưng cá nhân tôi lại cảm thấy tôi rất nghèo. Còn 60 năm trước khi không có gì tôi lại thấy tôi rất giàu và cảm nhận cả thế giới trong tay tôi. Nay tôi thấy mình rất nhỏ bé trong thế giới rộng lớn này. Thông điệp của tôi là tương lại của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nằm trong tay của anh”.

Từ những dẫn dắt trên, ông Bình nói: “Khi còn trẻ, chúng tôi không hình dung được sứ mệnh của mình. Sau 40 năm rời ghế nhà trường đến giờ,  bây giớ tôi thấy rằng sứ mệnh  là có thật”.

Từ câu chuyện bản thân mình khi còn ở tuổi 25, ông Bình gửi đến sinh viên thông điệp: “Các bạn bây giờ là người giàu có nhất, là những người vĩ đại nhất. Các bạn có thể mơ đến những vấn đề cực kỳ to lớn, thậm chí mơ đến việc cả thế giới nằm trong tay các bạn”.

So sánh với bản thân, ông Bình tiếp tục: “Còn chúng tôi giờ cũng mơ nhưng giấc mơ chỉ nhỏ nhoi và cụ thể hơn rất nhiều. Chúng tôi mong các bạn có niềm đam mê, có những giấc mơ hoài bão to lớn để mình nỗ lực phấn đấu và biến ước mơ đó thành sự thật”.

Chuyển từ dạy những gì có sẵn sang dạy cái xã hội cần 

Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng giáo dục trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 gồm 6 tính năng: đa dạng thời gian và địa điểm học tập, học tập mang tính cá nhân, người học theo tiến trình riêng, học dựa vào dự án, thay đổi đánh giá theo hướng quá trình và dự án cụ thể, giáo viên giúp học sinh sử dụng hiệu quả thông tin có sẵn.

Trong đó, trường ĐH cần thay đổi theo hướng tích cực, chuyển từ chỗ “dạy những gì mà giới học thuật sẵn có” sang “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”.

“Người dạy phải chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, hướng dẫn người học, phải quan tâm đến từng học sinh về đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu, năng lực sở trường, hoàn cảnh riêng. Nhà giáo phải giúp người học điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, phải là nhà giáo có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học”, ông Bình nhấn mạnh.

Cũng trong buổi sáng, ông Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác Ban Kinh tế trung ương còn có buổi làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của ĐH Quốc gia TP.HCM tại Trường ĐH Kinh tế-luật.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.