Ngày 24.7, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82; lễ truy điệu, lễ an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia đưa về nước đợt 2, giai đoạn XXIII (mùa khô 2023 - 2024). Đồng thời tham dự lễ đón nhận xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền Nam giai đoạn 1962 – 1975 và chương trình tiếp xã giao Đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh Campuchia.
Đây là chuỗi hoạt động được tổ chức nhằm kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2024) và kỷ niệm 94 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1.8.1930 – 1.8.2024).
Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 515); Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm; đại diện lãnh đạo Quân khu 7; tỉnh Tây Ninh... tham dự buổi lễ.
Về phía nước bạn có Đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh Campuchia gồm Đại tướng Ung Mony, Phó quốc vụ Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường trực Hội Cựu chiến binh Campuchia; Đại tướng Kun Kim, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Vương quốc Campuchia...
Tại buổi lễ, sau khi Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa gióng 3 hồi chuông chiêu tập anh linh các anh hùng liệt sĩ, các đại biểu đã dành 1 phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đọc điếu văn tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh xúc động chia sẻ: "Chiến tranh đã đi qua, còn đó những nỗi đau chất độc da cam, những nỗi đau vợ mất chồng, mẹ mất con, anh mất em. Còn đó những mộ liệt sĩ chưa biết tên hay một dòng địa chỉ, những hương hồn liệt sĩ chưa về với đất mẹ… Hễ còn một hương hồn chưa về với đất mẹ, còn một mộ bia chưa được gọi tên là nỗi đau, là trách nhiệm chưa tròn của người đang sống".
Ông Nguyễn Hồng Thanh cũng cho biết, trong đợt 2, giai đoạn XXIII (mùa khô 2023 - 2024) với sự trợ giúp tích cực, trách nhiệm của các đơn vị liên quan của Campuchia đã cùng các đơn vị của Việt Nam tìm kiếm, quy tập, hồi hương được 172 hài cốt liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 hiện là nơi an nghỉ của hơn 15.000 liệt sĩ, trong đó có hơn 5.000 liệt sĩ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc và hơn 10.000 liệt sĩ, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Cũng tại buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện các nghi lễ dâng hương, dâng hoa, tổ chức lễ truy điệu an táng 172 hài cốt liệt sĩ trong không khí trang nghiêm, thành kính; thắp hương lên các phần mộ anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang.
Cùng ngày, phát biểu tại lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền Nam giai đoạn 1962 – 1975, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định về quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Campuchia thời gian qua giữ được đà phát triển ổn định. Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đối ngoại "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" với Campuchia.
Cũng theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền Nam giai đoạn 1962 - 1975 là nơi ghi dấu sự kiện mang nhiều giá trị lịch sử, góp phần tích cực giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho mỗi người Việt Nam.
"Để bảo tồn, lưu giữ giá trị lịch sử của di tích, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung của luật di sản văn hóa, để nhân dân cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; phối hợp với ngành du lịch, với các cơ quan thông tin truyền thông kết nối di tích với các di tích khác trong tỉnh, trong vùng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới, để du khách và nhân dân hiểu thẩm thấu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc", Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị thời gian tới, toàn ngành tuyên giáo cần chủ động, tích cực hơn nữa trong tham mưu, làm cho công tác tuyên giáo gắn chặt và bám chắc với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, với phong trào cách mạng của quần chúng, kịp thời giải đáp đúng và trúng những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội; lan tỏa và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến; bồi dưỡng niềm tin của nhân dân vào mục tiêu, lý tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng.
Ngày 23.11.1961, Hội nghị T.Ư Cục miền Nam họp tại Mã Đà, căn cứ chiến khu Đ (nay là tỉnh Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư T.Ư Cục làm Trưởng ban. Năm 1962, Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền Nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát, H.Châu Thành (nay là H.Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) để có điều kiện mở rộng căn cứ.
Trong kháng chiến, công tác tư tưởng chính trị là mặt trận hàng đầu đi trước một bước, góp phần quyết định tạo nên phong trào cách mạng. Đặc biệt, Ban Tuyên huấn T.Ư Cục miền Nam đã tham mưu kịp thời, sát, đúng về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là những thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền Nam…
Bình luận (0)