Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
13/11/2023 20:38 GMT+7

Làm việc tại Thừa Thiên - Huế, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích cố đô Huế và thống nhất chủ trương sớm đưa Đại học Huế trở thành Đại học quốc gia.

Ngày 13.11, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đoàn công tác của Ban Tuyên giáo T.Ư có chuyến thăm, làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế về công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích cố đô Huế.

Đoàn công tác cũng làm việc với Đại học Huế về công tác đào tạo báo chí truyền thông trong tình hình mới, xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh 1.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa (phải) cùng Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu chủ trì buổi làm việc

BÙI NGỌC LONG

Trước khi có buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đoàn công tác đã đi thăm và kiểm tra một số công trình tiêu biểu của di tích cố đô Huế.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh 2.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa (giữa) thăm công trình Điện Kiến Trung vừa được trùng tu hoàn thành.

BẢO MINH

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết công tác đầu tư, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là việc làm thường xuyên của tỉnh trong thời gian qua. Ông Phương mong muốn trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí cho dự án di dân kinh thành Huế; bổ sung thêm danh mục duy tu, bảo tồn hệ thống kinh thành Huế; xây dựng một bảo tàng mới tại khu vực nội thành vào chương trình mục tiêu quốc gia mới, để địa phương có nguồn lực thực hiện.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (giữa) thăm và xem tài liệu tại một số dự án trùng tu di tích cố đô Huế

BÙI NGỌC LONG

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, cũng cho biết công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng di tích kinh thành Huế đang được địa phương cố gắng hoàn thành giai đoạn 1 và sớm triển khai giai đoạn 2.

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Đại học Huế

BÙI NGỌC LONG

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của thành viên đoàn công tác chia sẻ rằng, các cơ quan trung ương luôn đồng hành trong công tác tác bảo tồn và phát huy di sản của tỉnh, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tu bổ di tích... Đồng thời, kiến nghị, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa về công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích cố đô Huế; về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng khu vực kinh thành Huế.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao việc Thừa Thiên - Huế đã và đang gìn giữ hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa với nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hay.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị địa phương rà soát các nội dung cần tập trung lãnh đạo, quản lý đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng và phục hồi văn hóa. Công tác kiểm tra giám sát phải tiếp tục thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, tâm huyết vì văn hóa Huế; kiên quyết chống các biểu hiện, các hành vi xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch.

“Càng nghiên cứu sâu, cá nhân tôi cũng đoàn công tác càng tự hào về vùng đất Thừa Thiên - Huế. Mong rằng, Thừa Thiên - Huế ngày càng phát triển hơn nữa về văn hóa; với những thế mạnh hiện có - vùng đất nhiều di sản, dày đặc các điểm di tích, Thừa Thiên - Huế có thể xây dựng đặc trưng văn hóa của riêng mình”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Sớm xây dựng Đại học Huế thành Đại học quốc gia

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Trọng Nghĩa và đoàn công tác có buổi làm việc với Đại học Huế.

PGS-TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, đã báo cáo về công tác đào tạo báo chí truyền thông tại Đại học Huế và quá trình hình thành, phát triển của Đại học Huế, thực hiện đề án xây dựng Đại học Huế thành Đại học quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị...

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao truyền thống vẻ vang và những thành tựu nổi bật của Đại học Huế trong hơn 66 năm qua.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, đoàn công tác sau khi làm việc đã thống nhất, đồng thuận cao với các kiến nghị của Đại học Huế. Ông đề nghị các thành viên trong đoàn phối hợp với các bộ, ngành T.Ư tham mưu tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế để Đại học Huế sớm trở thành Đại học quốc gia thứ 3 (sau Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP.HCM).

Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh 5.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa (bìa phải) tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại học Huế

BÙI NGỌC LONG

Về công tác đào tạo báo chí truyền thông, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: "Đại học Huế làm sao để đào tạo được một đội ngũ làm báo bút sắc, tâm sáng, lòng trong, vừa hồng vừa chuyên và trong đó có bản sắc văn hóa Huế, con người Huế nói riêng và con người Việt Nam nói chung".

Tại buổi làm việc, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 sắp đến, ông Nguyễn Trọng Nghĩa gửi lẵng hoa chúc mừng tập thể nhà giáo Đại học Huế; tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Đại học Huế.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.