Điều khiến phụ huynh bất ngờ và bức xúc là trước đó nhà trường không đưa ra bất cứ lộ trình, kế hoạch hay họp phụ huynh để bàn bạc, lấy ý kiến về chủ trương này.
Dư luận ngạc nhiên bởi khó có thể hình dung một chủ trương lớn, ảnh hưởng nặng nề đến việc học tập của gần 600 HS mà cách hành xử của nhà trường lại vô cảm thế. Nhà trường dán thông báo về việc phân tuyến HS tại cổng trường vào nửa cuối tháng 6, khi toàn bộ HS đã nghỉ hè nên phụ huynh ai đọc được thì đọc, không đọc được thì thôi.
Chủ trương này sau khi nhận được sự phẫn nộ của phụ huynh và dư luận đã bị lãnh đạo quận yêu cầu dừng lại và cho rằng đó là cách làm “nóng vội”. Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai, khi trả lời báo chí về cách làm của nhà trường nói trên thì nửa biện minh, nửa đổ lỗi: “Kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia là nghị quyết của TP, giai đoạn 2021 - 2025 TP giao các quận, huyện tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80 - 85%. Theo một trong những tiêu chí trường chuẩn quốc gia mà Bộ GD-ĐT ban hành thì cấp tiểu học phải có sĩ số không quá 35 HS/lớp, mỗi trường không quá 30 lớp”. Trên địa bàn P.Hoàng Liệt có 3 trường tiểu học với hơn 8.000 HS. Trong đó, Trường tiểu học Chu Văn An, nơi dự kiến sẽ phải tiếp nhận gần 600 HS của Trường tiểu học Hoàng Liệt, lâu nay đã nổi tiếng vì tình trạng HS quá đông, với khoảng 3.000 HS/47 phòng học.
Qua giải thích của vị lãnh đạo này thì có thể hiểu rằng: nếu Trường Hoàng Liệt không “đẩy” bớt HS sang trường khác, để cả 3 trường cùng quá tải sĩ số như hiện nay, thì chẳng lấy đâu ra trường chuẩn quốc gia tại phường ấy. Và vì thế, quận cũng chẳng thể nào đạt tới con số 80 - 85% trường đạt chuẩn mà TP áp xuống. Chi bằng, dồn cho một trường vốn đã rất quá tải thêm… 600 HS nữa. Trường này “chen chúc” thêm thì HS thiệt thòi, giáo viên khổ sở nhưng trường bên cạnh sẽ được “chuẩn quốc gia”. Chỉ có như thế phường mới có cái mà báo cáo quận, quận lại báo cáo lên TP, TP báo cáo Bộ, rằng “năm nay tôi có thêm bằng này trường đạt chuẩn quốc gia”. Ai cũng hân hoan.
Mục tiêu lớn nhất của việc xây dựng trường chuẩn hiển nhiên phải là vì HS, để các em có điều kiện học tập tốt nhất. Nhưng trong câu chuyện Trường Hoàng Liệt “đẩy” HS đi để trường đạt chuẩn quốc gia thì xem ra trường chuẩn quốc gia này là để cho “ai đó” chứ chắc chắn không vì chính HS.
Những tấm biển “Trường đạt chuẩn quốc gia” treo trên tường ấy liệu có ý nghĩa gì khi hàng trăm HS và phụ huynh đang khóc ròng vì bị đẩy ra khỏi chính trường mình đang học? Và, như nhận xét của một chuyên gia giáo dục khi trao đổi với phóng viên: “Không biết họ định xây trường chuẩn với các tiêu chuẩn cao đến đâu, chứ cách hành xử như vậy với chính HS của mình đã “dưới chuẩn” rất nhiều rồi!”.
Bình luận (0)