Cơm áo không thể chờ…

27/06/2022 04:02 GMT+7

Hơn 50% tàu cá nằm bờ cùng hàng triệu ngư dân và các lao động làm các nghề dịch vụ thủy sản ven biển mất sinh kế vì giá xăng dầu tăng kỷ lục.

Trên bờ, bão giá đã quét tới mâm cơm của mỗi gia đình khi từ cọng hành, bó rau, gói mì đều tăng sốc… Sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp (DN) đã tới ngưỡng, thế nhưng đề xuất giảm thuế, phí để hạ nhiệt giá xăng dầu lại hết sức chậm trễ, nếu không muốn nói là đủng đỉnh.

Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được nhiều chuyên gia, tổ chức đưa ra ngay từ hồi tháng 4, khi giá mặt hàng này trên thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng. Thế nhưng đến ngày 19.6 vừa rồi, Bộ Tài chính mới trình Chính phủ và nếu được thông qua thì cũng phải đến ngày 1.8 tới mới áp dụng. Chỉ tính từ thời điểm này đến khi đó, xăng dầu còn phải đợi qua khoảng 4 lần điều chỉnh (10 ngày/lần) nữa, trong khi đã có 7 lần tăng liên tục trước đó. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, xăng E5RON92 đã tăng hơn 5.800 đồng/lít; xăng RON95 tăng gần 6.000 đồng/lít; dầu diesel tăng ở mức cao nhất là 7.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng hơn 6.700 đồng/lít và dầu mazut tăng trên 4.600 đồng/lít.

Chỉ cần nhìn những con số cũng thấy sự chậm trễ giữa chính sách và xu hướng tăng giá xăng dầu. Quan trọng hơn, những con số trên cho thấy, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (từ 500 - 1.000 đồng/lít) không thấm thía mức tăng như vũ bão của mặt hàng này. Đó là lý do rất nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội (QH)... kiến nghị nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu... để hỗ trợ người dân, DN vượt qua giai đoạn khó khăn lịch sử hiện nay. Đặt trường hợp tạm ngưng thu hết các loại thuế, phí này, xăng dầu sẽ giảm được khoảng gần 10.000 đồng/lít. Mức giảm này chắc chắn sẽ tạm “ngắt” đà tăng sốc của nhiều nhu yếu phẩm trên thị trường, giảm áp lực lạm phát và rất nhiều hệ lụy từ việc giá xăng quá cao đến hệ thống sản xuất trong nền kinh tế cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.

Tiếc rằng đề xuất này thậm chí còn chưa được tính tới vì đủ lý do. Bộ Tài chính viện dẫn thuế là thuộc thẩm quyền QH. Về việc này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã trả lời rất rõ, dù thuộc thẩm quyền của Bộ hay của Chính phủ, của QH hay Ủy ban Thường vụ QH thì cũng cần đề xuất từ bộ quản lý nhà nước. Chưa kể thuế nhập khẩu trong tính giá cơ sở không phải khi nào cũng là trách nhiệm của QH hay Ủy ban Thường vụ QH... Câu trả lời rất rõ ràng nhưng nhìn lại từ buổi chất vấn giữa nghị trường QH đầu tháng 6 đến nay đã gần 1 tháng, Bộ Tài chính vẫn chưa có động thái gì đối với các loại thuế này, dù xăng dầu đã và vẫn tăng liên tiếp.

Trong khi Bộ tỏ ra khá đủng đỉnh thì sức chịu đựng của người dân, DN đã đụng trần. Giá xăng tăng quá cao, tình trạng tài xế xe công nghệ tắt app đang khiến sân bay Tân Sơn Nhất đứng trước nguy cơ ùn tắc; hàng loạt DN vừa và nhỏ dù không muốn cũng phải tính đến chuyện tạm ngưng hoạt động; hơn 50% tàu cá nằm bờ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu hộ gia đình trong hệ sinh thái ven biển, mà theo Bộ NN-PTNT, việc không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển còn ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia…

Liệu những lý do để chúng ta chậm trễ giảm thuế, phí cho xăng dầu có đánh đổi được những hệ lụy mà nó gây ra cho nền kinh tế?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.