Không thể phủ nhận những thành tựu mà trường chuyên đã gặt hái và đóng góp cho giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, việc lý tưởng hoá nó tới mức phát cuồng của không ít phụ huynh, giáo viên lẫn học sinh là điều nguy hại vì nó khiến trường chuyên bị méo mó, biến dạng.
Mặc dù Bộ GD-ĐT bỏ thi vào lớp 6, nhưng để vào được lớp 6 Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), phụ huynh và học sinh vẫn phải chạy đua với kỳ khảo sát năng lực tiếng Anh
của trường - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Không ít trường chuyên chăm chú vào các chỉ tiêu giải thưởng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, số lượng thủ khoa, á khoa tuyển sinh đại học, đặt áp lực khủng khiếp cho cả thầy lẫn trò. Một số trường chuyên do nhận thấy nhu cầu vào học của nhiều phụ huynh, học sinh thì nâng chỉ tiêu tuyển sinh lên, mở thêm hệ thường.
Nhiều phụ huynh thì xem vào được trường chuyên là mục tiêu cao nhất cho việc học hành của con mình nên sẵn sàng đầu tư thời gian, tiền bạc để luyện thi cho con bất kể con mình có thích hay có khả năng chịu được áp lực học tập ở trường chuyên hay không. Phần lớn giáo viên ở trường chuyên thì xem việc học sinh trường chuyên học nhiều... là điều đương nhiên; phải thi thố, phải cạnh tranh... cũng là điều lợi. Chưa kể, không ít giáo viên tận dụng danh tiếng và sức hấp dẫn của trưởng chuyên để mở các lớp luyện thi, học thêm.
Đáng lo ngại nhất là học sinh tài năng ở các trường chuyên cũng chỉ xem việc đạt các giải thưởng trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, đậu vào đại học, kiếm học bổng du học là cái đích cuối cùng. Số em có ước mơ, khát khao để trở thành chuyên gia tài năng trong các lĩnh vực mình theo đuổi thật hiếm hoi, trong khi đó mới thực sự là sứ mạng được đặt ra cho trường chuyên.
|
Như vậy, mô hình trường chuyên hiện tại bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải thay đổi. Yêu cầu đầu tiên là xác định lại sứ mạng của trường chuyên, nếu là để đào tạo nhân tài thì nên gọi là trường bồi dưỡng tài năng, trường chất lượng cao. Ở Anh cũng có những trường chất lượng cao (grammar school) cho trẻ từ 11 tuổi trở lên, được tuyển với các tiêu chuẩn gắt gao hơn các trường thường. Nhưng các trường này không được gán cho sứ mạng là để bồi dưỡng nhân tài như trường chuyên Việt Nam. Đây chỉ là một lựa chọn cho một bộ phận phụ huynh, học sinh Anh.
Các grammar schools nằm rải rác ở một số ít nơi, các chi phí hoạt động ngoài giờ cao nên không phải trẻ nào tài năng cũng vào học được. Vì thế, các trường thường có chương trình hỗ trợ những em có năng lực vượt trội vì họ quan niệm trường học phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu học hành của mọi đứa trẻ với các khả năng khác nhau. Nếu một học sinh được xác định là tài năng trong một lĩnh vực cụ thể thông qua các bài kiểm tra, kết quả cả tiến trình học, đánh giá của giáo viên, phụ huynh thì sẽ được xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể theo hướng gia tăng nhiệm vụ học tập và độ khó cho em ấy.
|
Nếu chúng ta muốn duy trì trường chuyên theo hướng chuyên biệt hoá khả năng, sở thích của học sinh thì có thể tham khảo cách triển khai chương trình chuyên biệt của Anh. Hiện nay, hầu hết các trường trung học công lập của Anh (cho trẻ từ 11 tuổi trở lên) đều có những lớp chuyên thuộc các chuyên ngành sau: Nghệ thuật, kinh doanh- thương mai, toán- công nghệ thông tin, kỹ thuật, nhân văn, ngôn ngữ, âm nhạc, khoa học, công nghệ, thể thao. Mỗi trường chỉ được phép triển khai chương trình chuyên thuộc 1 đến 2 ngành với tỷ lệ tuyển tối đa 10% tổng số học sinh thông qua một bài kiểm tra chuyên ngành. Do đó, sẽ có trường chuyên về nghệ thuật, trường chuyên về toán- công nghệ thông tin… do có triển khai các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về lĩnh vực đó. Sự có mặt của chương trình này rộng khắp các trường học Anh đã giúp nhiều học sinh được phát triển khả năng, sở thích cụ thể của mình, nhưng không quá cạnh tranh.
Như vậy, cuộc tranh luận nên giữ hay bỏ trường chuyên của Việt Nam là không cần thiết vì có một cuộc tranh luận cần câu trả lời hơn là giáo dục Việt Nam cần có những loại trường nào để đáp ứng mục tiêu giáo dục tổng quát ‘nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài’. Sự đa dạng hoá các loại trường, mỗi trường một sứ mạng và các chính sách giáo dục khác nhau mới giúp giáo dục Việt Nam phát triển đồng bộ.
Bình luận (0)