Trường công dạy thêm IELTS: Cần lường trước rủi ro

11/01/2024 06:34 GMT+7

Theo chuyên gia, nếu muốn dạy IELTS trong lớp học phổ thông, nhà trường cần đảm bảo nhiều yếu tố khác nhau từ nhân lực đến vật lực để giảng dạy hiệu quả, giúp học sinh đạt kết quả đầu ra tốt nhất.

Được ủng hộ nhưng vẫn còn đó nhiều hạn chế, mô hình dạy IELTS trong trường học có nên được nhân rộng? Với kinh nghiệm đào tạo giáo viên (GV) và đứng lớp ở lĩnh vực công lẫn tư, thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, Giám đốc phát triển và học thuật Trung tâm Anh ngữ Origins Language Academy, cho rằng cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định dạy thêm IELTS, đặc biệt ở khâu chuẩn bị giáo trình và điều phối GV, tiết học.

Trường công dạy thêm IELTS: Cần lường trước rủi ro- Ảnh 1.

Để luyện thi IELTS hiệu quả, giáo viên cần đáp ứng 3 tiêu chí là năng lực ngôn ngữ, năng lực sư phạm và kiến thức về bài thi

KHÁNH UYÊN

Cụ thể, để luyện thi IELTS hiệu quả, GV cần đáp ứng 3 tiêu chí là năng lực ngôn ngữ, năng lực sư phạm và quan trọng nhất là kiến thức về bài thi. "Kỹ thuật làm bài tốt có thể giúp thí sinh tăng một thang điểm. Song, sẽ rất nguy hiểm nếu thầy cô không hiểu rõ về IELTS, bỏ qua việc bồi đắp ngôn ngữ cho học trò mà chỉ hướng dẫn mỗi kỹ thuật làm bài trong suốt 3 năm THPT", ông Minh lưu ý.

Riêng với GV bản ngữ, nhà trường cần có sự bố trí phù hợp thay vì giao phó hoàn toàn việc luyện thi IELTS. Bởi, hiếm có GV bản ngữ tại VN sở hữu năng lực sư phạm tốt, và còn khó hơn nữa nếu muốn tìm ai đó thực sự hiểu về IELTS vì họ không cần tham gia kỳ thi này. "Dạy tư duy đa văn hóa, sửa phát âm hay hướng dẫn nói năng tự nhiên như người bản ngữ là một số vị trí phù hợp cho họ", thạc sĩ Minh đề xuất.

Về mặt điều phối lớp học IELTS trong trường phổ thông, ông Minh cho rằng cần phải kiểm tra năng lực và phân hóa học sinh (HS) thành các nhóm có chung trình độ, thay vì dạy đại trà cho cả lớp. Đồng thời, nhà trường cần sắp xếp tỷ lệ phù hợp giữa số tiết dạy tiếng Anh phổ thông và tiếng Anh luyện thi, như 70:30 ở lớp 10 và ngược lại với lớp 12, khi HS đã vững nền tảng, bắt đầu "chạy đua" thi lấy chứng chỉ.

Thạc sĩ Võ Đào Phú Sĩ, giảng viên một trường ĐH công lập tại TP.HCM, đánh giá cần có đa dạng nguồn lực hỗ trợ GV để thầy cô có thể làm tốt nhiệm vụ dạy IELTS trong trường, song song với việc dạy chương trình chính khóa. Bởi, những GV chưa có kỹ năng sư phạm tốt sẽ gặp khó khi phải đứng lớp đông HS với nhiều trình độ ngoại ngữ khác nhau.

Cũng theo ông Sĩ, GV cần được đào tạo bởi các chuyên gia có hiểu biết về khảo thí IELTS để hiểu đầy đủ nội dung, cấu trúc bài thi, từ đó truyền tải chúng đến HS thay vì chỉ dạy mẹo hay thủ thuật.

Trường công dạy thêm IELTS: Cần lường trước rủi ro- Ảnh 2.

Cần có đa dạng nguồn lực hỗ trợ giáo viên để thầy cô có thể làm tốt nhiệm vụ dạy IELTS trong trường, song song với việc dạy chương trình chính khóa

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, chuyên ngành quản lý giáo dục tại ĐH Hertfordshire (Anh), hiện là Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q, cũng nhận định GV là "mắt xích" quan trọng quyết định thành bại của việc dạy IELTS trong trường do không nhiều thầy cô phổ thông từng tiếp xúc với bài thi này.

Về mặt quản lý chương trình, tiến sĩ Quang khuyến nghị các trường nên giải thích rõ cho phụ huynh vào thời điểm đầu cấp về lý do dạy chứng chỉ ngoại ngữ, và vì sao lại là IELTS. Bên cạnh đó, với các GV tiếng Anh hiện đang dạy thêm IELTS ở ngoài, nhà trường cũng cần tìm hiểu và phối hợp để tránh xung đột trong phương pháp giảng dạy.

Một vấn đề đáng chú ý khác, là các trường cần cân nhắc đa dạng hóa lựa chọn, thay vì chỉ tập trung luyện thi chứng chỉ duy nhất. Cụ thể, tiến sĩ Quang đề xuất nên có tối đa ba lựa chọn phổ biến, như IELTS, TOEFL hay Cambridge. "Tránh công nhận và giảng dạy quá nhiều chứng chỉ vì sẽ dẫn đến hỗn loạn trong khâu vận hành, cũng như xung đột giữa các đơn vị tổ chức thi", ông Quang lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.