Mới đây, trong buổi làm việc với đoàn công tác TƯ, TP.Cần Thơ kiến nghị bổ sung triển khai thêm 3 trường ĐH, gồm: ĐH Kiến trúc, ĐH Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc tế (trường ĐH chất lượng cao) giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó cũng xin nâng cấp trường ĐH Cần Thơ thành đại học trọng điểm quốc gia theo hướng đa ngành. Đây là 4 trong nhiều dự án được TP.Cần Thơ đề nghị triển khai bổ sung thay thế cho những dự án cũ không còn phù hợp được phê duyệt từ 2009 theo Quyết định 366 của Chính phủ...
|
Nhiều người bức xúc, sao không tập trung đầu tư cải thiện chất lượng đào tạo hiện có, chăm lo cho những bậc học nền tảng cấp dưới mà chăm chăm vào tăng số lượng SV. Con số 17 trường ĐH, 26 trường cao đẳng (CĐ) ở 13 tỉnh thành ĐBSCL hiện nay chưa đủ “bội thực” hay sao...
Từ rất lầu rồi, cụm từ “thiếu nhân lực” luôn được nhắc đi, nhắc lại ở ĐBSCL khi người ta luôn dựa vào con số thống kê tỉ lệ SV/vạn dân làm định hướng... Để rồi, tỉnh, thành nào cũng muốn có trường ĐH. Sau đó lại xin thêm những cơ chế đặc thù mở ngành, xét tuyển ưu tiên... Thực chất cũng chỉ là nới lỏng đầu vào tối đa để mở lớp, đảm bảo chỉ tiêu, nguồn thu...
|
Anh bạn tôi, cán bộ giảng dạy ở một trường ĐH tại Cần Thơ nói: “Nhìn lại mấy năm qua, chỉ thấy tội những bậc học nền tảng cấp dưới vì được quan tâm quá ít. Lớp học rách nát, học sinh lội nước đến trường... Trong khi đó, những khoản vốn ưu đãi khổng lồ mang tiếng dành cho giáo dục nhưng thực chất rơi vào tay nhà đầu tư bậc ĐH là nhiều. Ưu đãi lớn cộng với siêu lợi nhuận nên trường ĐH cứ “đua nở” ở vùng trũng giáo dục ĐBSCL”.
Thậm chí, mấy năm nay để tuyển đủ chỉ tiêu các trường đều phải mọi cách để lôi kéo học sinh miễn sao có lợi cho nhà trường. Như một câu chuyện cười ra nước mắt mà tôi gặp năm ngoái. Một trường ĐH cố nhận hồ sơ học sinh, thu học phí trước sau đó lại “xù kèo” tỉnh bơ, khiến phụ huynh, học sinh điêu đứng, suýt không kịp nộp xét vào trường khác. Hôm đó, phụ huynh tên H. ở Cần Thơ gặp tôi mếu máo nói, con ông nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào trường ĐH ở Hậu Giang. Cán bộ tiếp nhận báo là đậu rồi, ông H. liền gom tiền đóng học phí xong. Về nhà, làm tiệc cúng tổ tiên, mời hàng xóm, họ hàng đến ăn mừng. Ngay lúc nâng ly chúc tụng thì cán bộ trường ĐH bất ngờ gọi điện thông báo ông đành phải trượt vì lý do không đủ sinh viên mở lớp.
Hay mấy năm trước, dư luận ở ĐBSCL cũng “nóng” chyện xét tuyển ngành Y đa khoa trường ngoài công lập chỉ bằng điểm sàn... Ước mơ trở thành bác sĩ chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Đến nay, dù học phí cao ngất nhưng mỗi năm, ngành y ở trường ngoài công lập đều thu hút rất đông thí sinh cả nước đổ về nộp hồ sơ xét tuyển. Điểm xét không quá cao và quan trọng chỉ cần có đủ tiền là có thể trở thành một bác sĩ tương lai.
Đành rằng xây dựng thêm trường ĐH là để đào tạo, không ai buộc các trường phải đảm bảo tất cả SV tốt nghiệp có việc làm. Tuy nhiên, việc thẩm định xây trường ĐH cần nghiêm túc, minh bạch, đánh giá thiệt tình về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy cơ hữu (đừng đi mượn đứng tên), khung chương trình đào tạo, chuẩn đầu vào, đầu ra của sinh viên... Tất cả phải được xem xét, liệu có đủ điều kiện để đào tạo ĐH hay chưa. Ít ra, SV ra trường, cũng cần đáp ứng được nhu cầu công việc, chứ đào tạo ĐH mà chạy theo chỉ tiêu, quy hoạch thì khác gì trồng lúa, trồng khoai.
Hay như người thầy của tôi đã từng thốt lên: “Trường ĐH chứ đâu phải lò bánh mì mà muốn mở thì mở”. Nhưng nếu là bánh mì kém chất lượng, người mua có thể trả lại và mắng vốn. Còn SV ra trường không đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng thì chỉ khổ các em.
Bình luận (0)