Trường đại học nào còn xét tuyển bổ sung?

20/08/2024 13:55 GMT+7

Vào 14 giờ ngày 20.8, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Còn cơ hội xét tuyển đợt bổ sung?'.

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Còn cơ hội xét tuyển đợt bổ sung?''. diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH hoàn tất công bố kết quả xét tuyển đợt 1 trước 17 giờ hôm qua (19.8). Sau khi biết điểm chuẩn, thí sinh trúng tuyển cần thực hiện xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT chậm nhất là 17 giờ ngày 27.8. Song song đó, thí sinh làm các thủ tục nhập học theo quy định từng trường.

Trường đại học nào còn xét tuyển bổ sung?- Ảnh 1.

Thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục nhập học

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngay sau khi công bố kết quả xét tuyển đợt 1, nhiều trường ĐH công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Thông tin cụ thể về xét tuyển bổ sung sẽ được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Còn cơ hội xét tuyển đợt bổ sung?".

Trường đại học nào còn xét tuyển bổ sung?- Ảnh 2.

Các chuyên gia tham dự đợt 1 của chương trình tư vấn

LÊ THANH HẢI

Những khối ngành điểm chuẩn cao

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhận xét điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn so với năm 2023, có thí sinh mỗi môn hơn 9 điểm vẫn chưa trúng tuyển vào ngành sư phạm, đặc biệt khối C00. Có thể kể ra những nguyên nhân như: Chỉ tiêu ngành sư phạm dựa trên nhu cầu địa phương đăng ký nên chỉ tiêu vào khối ngành sư phạm cũng thấp hơn 2023. Phổ điểm môn ngữ văn của thí sinh năm nay cũng rất cao. 

Theo phân tích của thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT ở các môn khoa học xã hội cao nên tổ hợp môn có những môn này cao hơn năm 2023. Điểm chuẩn sư phạm tăng cao là một tín hiệu đáng mừng.

Những ngành điểm chuẩn cao ở Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM rơi vào nhóm ngành xu hướng quốc tế hoặc truyền thông-marketing. 

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng so với năm 2023 điểm chuẩn tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không có sự chênh lệch nhiều, riêng khối ngành sức khỏe có tăng một chút. Quan hệ công chúng và truyền thông đa phương tiện có số lượng thí sinh quan tâm tăng vượt bậc.

Trường đại học nào còn xét tuyển bổ sung?- Ảnh 3.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân

Có được lựa chọn xét lại ngành hoặc trường khác?

Thí sinh Nguyễn Hà Phương (Huế) thắc mắc: "Em vừa rồi chỉ đăng ký 3 nguyện vọng, 2 trường ở TP.HCM và Trường ĐH Duy Tân. Em đã trúng tuyển ngành khoa học máy tính ở nguyện vọng thứ 2 tại TP.HCM. Tuy nhiên nhà em đột ngột có việc nên em thay đổi quyết định, muốn đi học gần để tiện về nhà hơn. Vậy bây giờ em có thể bỏ trường ở TP.HCM để xét tuyển vào Trường ĐH Duy Tân hay không?"".

Tiến sĩ Võ Thanh Hải giải đáp thắc mắc: ''Năm 2023, thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học chiếm 15% với nhiều lý do, có thể là trường ở xa nhà, hoặc học phí vượt quá khả năng của gia đình... Bộ GD-ĐT yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học từ 19-17 giờ ngày 27.8 phải xác nhận nhập học trên hệ thống, nếu sau thời gian này không xác nhận nhập học, coi như từ chối quyền nhập học. Dù bận thế nào, các em vẫn cần phải xác nhận nhập học trên hệ thống trước. Ở trường hợp của Hà Phương, nếu thí sinh không muốn học tại trường đã trúng tuyển thì em không xác nhận nhập học, sau đó xét nguyện vọng bổ sung vào ngành khoa học máy tính tại Trường ĐH Duy Tân. Tuy nhiên các em lưu ý điểm trúng tuyển ở đợt bổ sung sẽ lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn đợt 1. Thông thường luôn lớn hơn. Nếu điểm của em chỉ bằng điểm chuẩn đợt 1 thì nên cân nhắc".

Vì sao điểm chuẩn đại học khối C tăng chót vót?

"Thời gian xét bổ sung cũng do từng trường quy định nên các em cần theo dõi cụ thể. Trường ĐH Duy Tân dự kiến nhận hồ sơ bổ sung đến 5.9'', tiến sĩ Hải thông tin thêm.

Thí sinh Trần Hải Tú (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đặt câu hỏi: ''Em lúc đầu thích ngành quan hệ quốc tế Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM nhưng sợ không trúng tuyển nên không đăng ký, sau khi có điểm chuẩn thì mới biết mình dư 0,25 điểm. Nay em đã trúng tuyển ngành kinh tế quốc tế của trường. Em có được đổi sang ngành quan hệ quốc tế hay không? Em cứ vào học rồi xin chuyển hay là đăng ký xét tuyển lại?''.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên giải đáp: ''Nếu em đã trúng tuyển và ưng ý với ngành học thì xác nhận nhập học, khi em không ưng ý thí em phải xem các trường có còn đăng ký bổ sung hay không, nếu có thì từ chối nhập học. Tại UEF còn xét bổ sung ngành quan hệ quốc tế nên em có thể tham gia xét tuyển lại. Nếu muốn tiếp tục nhập học và xin chuyển thì còn phải xem xét ngành học có tương đồng hay không... Điểm của em cao hơn điểm trúng tuyển trước đó thì em cũng có cơ hội trúng tuyển bổ sung nhưng em nên tăng cường thêm điểm học bạ để tăng cơ hội trúng tuyển. Ngành quan hệ quốc tế được nhận học bổng 35% học phí do doanh nghiệp hỗ trợ".

Trường đại học nào còn xét tuyển bổ sung?- Ảnh 4.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM

Thí sinh Dương Thu Hà (huyện Bình Chánh, TP.HCM) băn khoăn: ''Em đã trúng tuyển sớm ngành luật kinh tế vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Tuy nhiên do em thấy điểm thi cao nên đã đăng ký điểm thi vào một số trường khác, em đã không đăng ký ngành đã trúng tuyển sớm của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lên hệ thống, cuối cùng em không trúng tuyển bằng điểm thi do điểm chuẩn không ngờ lại tăng cao như vậy. Bây giờ em phải làm sao để được trúng tuyển vào ngành luật kinh tế của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành?""

Thạc sĩ Trương Quang Trị phân tích: ''Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành 10% chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung nên em vẫn có thể xét tuyển. Nếu em xác định rõ ràng mình yêu thích ngành luật kinh tế thì nên nộp hồ sơ. Khi trúng tuyển đợt bổ sung, các em đều được hưởng mọi quyền lợi như thí sinh trúng tuyển đợt 1 như môi trường học tập, học phí, học bổng, bằng cấp...''.

Trường đại học nào còn xét tuyển bổ sung?- Ảnh 5.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Để trở thành sinh viên chính thức 

Tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý, để chính thức trở thành tân sinh viên, thí sinh phải xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT đén 17 giờ ngày 27.8. Sau khi xác nhận, thí sinh sẽ nhận được giấy báo trúng tuyển của các trường và công bố trên trang web, một số trường cho thí sinh nhập học trực tuyến.

Hồ sơ làm thủ tục nhập học gồm: Phiếu điểm thi tốt nghiệp THPT (phiếu gốc). Bản sao bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; các giấy tờ mình chứng đối tượng ưu tiên hoặc khu vực ưu tiên... Thí sinh nên đi nhập học sớm nếu ở xa để ổn định chỗ ở, tìm hiểu đường xá, cơ sở học tập, tránh bị động. Nếu chưa nắm rõ thông tin, thí sinh nên liên hệ trực tiếp với trường để được tư vấn.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyênthông tin việc xác nhận trên hệ thống tới 27.8 nhưng thủ tục nhập học trực tiếp của UEF đến 6.9.

Thạc sĩ Trương Quang Trị cho hay mỗi trường ĐH đều có những hỗ trợ cho thí sinh. Trong giấy báo trúng tuyển cũng đã có quy định. Tuy nhiên các em không nên chờ giấy báo mà có thể vào website của trường tra cứu, nếu trúng tuyển sẽ có thông tin trên hệ thống, lúc đó các em cứ đến trường trực tiếp để được hỗ trợ làm thủ tục nhập học sớm nhất. Nếu thiếu giấy tờ, các em sẽ được trường hỗ trợ cho bổ sung sau.

Đợt 2 từ 15 giờ 15-16 giờ 15 gồm các chuyên gia:

  • Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; 
  •  Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.