Theo 2 nhà sáng lập trường học trực tuyến The Adulting School (TAS, tạm dịch: Trường dạy làm người lớn) Rachel Weinstein và Katie Brunelle, thế hệ Y (chỉ những người ra đời trong giai đoạn đầu thập niên 1980 - 2000) thường bị cho là “ích kỷ, lười biếng và ỷ lại”.
Tuy nhiên, trên thực tế, họ cảm thấy hoang mang và lẻ loi do thiếu nhiều kỹ năng cơ bản khi chuẩn bị bước vào đời.
“Tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ lúng túng vì họ không biết phải làm gì”, chuyên gia trị liệu tâm lý Weinstein chia sẻ với trang Quartz (Mỹ). Từ thực tế này, bà Weinstein cùng cộng sự Brunelle thành lập TAS, một nơi để người trẻ có thể học tập, trau dồi những kỹ năng cần thiết để trở thành “người lớn”, từ “vĩ mô” như đặt mục tiêu với những bản kế hoạch chi tiết và quản lý tiền bạc cho đến gắn bóng đèn hay viết thư xin việc sao cho đàng hoàng.
tin liên quan
Du học sinh Việt bị bắt ở Nhật vì tội sàm sỡ phụ nữĐây không phải lần đầu Phạm Minh Toàn phạm tội, anh đã thực hiện 7 vụ tấn công, sàm sỡ phụ nữ với chiêu thức tương tự ở khu vực Nakano (Tokyo) từ đầu năm đến nay.
Lớn nhưng chưa trưởng thành
TAS đi vào hoạt động kể từ đầu tháng 3.2017 với học phí khá “mềm” là 19,99 USD/tháng, thanh niên có thể tham gia các khóa học được tổ chức theo 5 lĩnh vực: quản lý tài chính cá nhân, sức khỏe, hôn nhân - quan hệ cộng đồng, việc nhà và nghề nghiệp. Trường học trực tuyến này còn tổ chức những buổi học tập trung tại trụ sở ở TP.Portland, xây dựng cộng đồng mạng và những hội nhóm sinh hoạt định kỳ mời chuyên gia đến hướng dẫn học viên.
Đến nay, đã có hàng trăm thanh niên trên khắp nước Mỹ tham gia các khóa học và TAS thu hút được 147 giáo viên thỉnh giảng/tự nguyện. Bên cạnh đó, hơn 10.000 người đăng ký vào danh sách thư điện tử của trường để tìm hiểu thêm thông tin trước khi quyết định nhập học. “Những thứ như lập kế hoạch chi tiêu, quản lý tài chính để chi trả các hóa đơn đúng hạn và lựa chọn sự nghiệp là vấn đề khó khăn nhất đối với giới trẻ. Ngoài ra, có những điều tưởng chừng như rất thường thức như ứng xử với người lớn hay cấp trên cũng cần được xây dựng lại”, bà Weinstein cho biết.
Trong một lớp học tập trung của TAS ở Portland, học viên có thể được hướng dẫn nhiều kỹ năng như tôn trọng người yêu, cưỡng lại “cơn cuồng” mua sắm hay thậm chí là tự gấp tấm trải giường và đóng đinh treo ảnh.
“Dù có coi là “già” so với các bạn tuổi teen nhưng tôi thấy mình vẫn chưa trưởng thành, nhất là trong chuyện tài chính cá nhân”, học viên Carly Bouchard chia sẻ với Đài RPR. Bouchard năm nay 29 tuổi và tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế. Học viên này thừa nhận với những gì học trong trường, cô có thể lập kế hoạch tài chính cho công ty, dự đoán xu hướng cổ phiếu… nhưng tháng nào cũng ngập trong đống hóa đơn quá hạn.
Nhiều “thủ phạm”
Thực tế, chuyện giới trẻ chật vật khi vào đời không phải là hiện tượng mới. Ngay trong quyển sách Đại học kéo dài tuổi thơ ấu xuất bản năm 1932, triết gia Mỹ Horace Kallen (1882 - 1974) đã viết: “Tôi học rất nhiều môn nhưng không được dạy phải áp dụng chúng như thế nào để có thể chiến thắng trong cuộc vật lộn với đời sống hiện thực”. Tuy nhiên, vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng do tác động từ nhiều mặt. Giới trẻ thế hệ Y dù có điều kiện sống tốt hơn ông bà, cha mẹ nhưng lại đối diện với một thế giới bất ổn hơn, cùng với sự bùng nổ của mạng ảo tràn ngập thông tin càng khiến họ mất phương hướng và dần dà cảm thấy bị “tê liệt”. “Họ đối mặt với tốc độ phát triển công nghệ chóng mặt và bất ổn kinh tế. Nền văn hóa bày sẵn - thức ăn nhanh, kem đánh răng chỉ cần nhấp chuột là có thể mua từ Amazon, hẹn hò bằng ứng dụng Tinder... - khiến giới trẻ trở nên mất kiên nhẫn cũng như không được rèn luyện nhiều kỹ năng cơ bản”, chuyên gia Weinstein nhận định. Từ đó, thanh niên đâm ra thiếu tự tin, luôn lo sợ thất bại dẫn tới ỷ lại, buông xuôi hoặc “quay cuồng” trong đống bùng nhùng mang tên “cuộc sống trưởng thành”.
tin liên quan
'Thủ lĩnh nông dân' 23 tuổi ở New ZealandNhóm NZ Farming do Tyler Fifield sáng lập đóng vai trò chủ đạo kết
nối nông dân trẻ cũng như tích cực tham gia cứu trợ nhân đạo tại New
Zealand.
Mặt khác, Quartz dẫn lời tiến sĩ nhân chủng học Holly Swyers thuộc Đại học Lake Forest (Mỹ) chỉ ra thêm các bậc cha mẹ của thế hệ Y, không chỉ ở Mỹ, dành quá ít thời gian bên cạnh con cái để chỉ cho chúng biết “một người trưởng thành sẽ trông như thế nào”. Họ đặt nặng vấn đề học hành hơn kỹ năng sống nên không tập cho con làm việc nhà mà chỉ cần tập trung học, chơi thể thao và tập chơi các loại nhạc cụ để được nhận vào đại học.
Tương tự, thượng nghị sĩ Mỹ Ben Sasse cảnh báo phụ huynh hiện nay thường rơi vào 2 thái cực: bảo bọc, chiều chuộng con cái quá mức hoặc bỏ cho con tự “bơi”.
Theo ông, nhiều người vẫn tin rằng vào đời là một quá trình tự học lâu dài với lộ trình sai lầm - sửa sai - rút kinh nghiệm, nhưng không có được những nền tảng vững chắc thì đa phần thanh niên ngày nay sẽ trượt dài ngay từ giai đoạn sai lầm. Chính vì thế, những lớp học “dạy làm người lớn” như TAS là hết sức cần thiết để hỗ trợ giới trẻ sớm hoàn thiện bản thân, theo Quartz.
Bình luận (0)