Trường ĐH 16 năm chưa chuyển từ dân lập sang tư thục, vì sao?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/11/2023 06:05 GMT+7

Vì sao suốt 16 năm qua, 17 trường ĐH dân lập đã chuyển đổi sang mô hình tư thục mà Trường ĐH dân lập Công nghệ Sài Gòn và Trường ĐH dân lập Phương Đông vẫn chưa hoàn thành?

Đầu tháng 11, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chuyển loại hình trường ĐH dân lập sang loại hình tư thục. Theo đó, đến nay vẫn còn 2 trường ĐH dân lập Công nghệ Sài Gòn và Phương Đông chưa hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của luật Giáo dục năm 2005, Nghị định số 75 hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giáo dục và Quyết định 122 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý chuyển đổi 19 trường ĐH dân lập sang loại hình trường ĐH tư thục (hoàn thành trước ngày 30.6.2007).

KHÓ TÌM SỰ ĐỒNG THUẬN CỦA CÁC NHÀ SÁNG LẬP VÀ ĐẦU TƯ

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã thẳng thắn chia sẻ những nguyên nhân khiến nhiều năm qua trường vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi từ mô hình dân lập sang mô hình tư thục.

Trường ĐH 16 năm chưa chuyển từ dân lập sang tư thục, vì sao? - Ảnh 1.

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, một trong 2 trường ĐH dân lập chưa chuyển đổi sang tư thục

BÍCH THANH

Vị lãnh đạo này cho biết: "19 trường dân lập thì mỗi trường có một mô hình sáng lập và sở hữu khác nhau, không trường nào giống trường nào. Có trường chỉ có 1 - 2 nhà sáng lập và đầu tư, có trường thì được một tập đoàn mua lại và trở thành nhà đầu tư duy nhất. Việc đó sẽ rất dễ dàng để thực hiện quy định chuyển sở hữu từ tập thể thành sở hữu tư nhân cũng như cơ cấu tổ chức. Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn có đến 10 nhà sáng lập, đồng nghĩa 10 nhà đầu tư đầu tiên với số vốn bằng nhau. Nguồn lực tài chính và trí tuệ của 10 nhà đầu tư này là ngang nhau".

Theo đại diện trường, các nhà đầu tư đều là những thầy cô tâm huyết với giáo dục, ban đầu đều có mong muốn xây dựng một ngôi trường ĐH hướng đến môi trường sư phạm đúng nghĩa chứ không có mục đích kinh doanh thu lợi nhuận. Chính vì thế, việc chuyển từ sở hữu tập thể sang sở hữu tư nhân với mô hình hoạt động gần giống với doanh nghiệp, đã khiến quá trình này gặp phải nhiều rào cản.

"Trong quá trình hoạt động trường có huy động thêm để tăng vốn. Một số nhà đầu tư chuyển nhượng cho con cháu nên thành phần các nhà sáng lập đã thay đổi, từ 10 nhà sáng lập và đầu tư sau đó đã lên đến 90. Tình trạng trở nên phức tạp và không còn sự đồng thuận, chung mục tiêu như ban đầu. Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu khi chuyển từ dân lập sang tư thục phải giải quyết hài hòa quyền lợi của những người góp vốn ban đầu và những người có công sức, trí tuệ trong quá trình phát triển trường. Để giải quyết được điều này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian", đại diện trường chia sẻ.

Được biết, nhiều lần trường họp để biểu quyết thì đều có ý kiến không đồng thuận. "Sự khó khăn này không phải do mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ mà là do nhận thức khác biệt", lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn khẳng định.

LÀM ĐI LÀM LẠI HỒ SƠ ĐỂ PHÙ HỢP VỚI NHỮNG THAY ĐỔI

Bên cạnh những vướng mắc về việc tìm sự đồng thuận của các nhà sáng lập và đầu tư, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn còn gặp khó khăn về việc hoàn thiện hồ sơ, phải bổ sung và điều chỉnh rất nhiều lần mỗi khi có quy định mới.

Vị lãnh đạo này thông tin: "Năm 2006 khi ra Quyết định 122 Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn các trường chuyển đổi, dù lúc đó (năm 2007) Bộ chưa có hướng dẫn nhưng trường đã làm hồ sơ theo quy định tại Quyết định 14 năm 2005 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục. Năm 2009, Thủ tướng lại ban hành Quyết định 61 thay thế cho Quyết định 14, nên năm 2010 Bộ đã ban hành Thông tư 20 hướng dẫn thực hiện quá trình chuyển đổi từ trường ĐH dân lập sang tư thục. Đến năm 2011 Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định 63 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 61 trước đó.

"Trong quá trình này, rất nhiều trường gặp phải vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ do những thay đổi về quy định, phải chỉnh sửa, bổ sung hoặc làm lại để phù hợp với các quy định mới. Đến năm 2012, luật Giáo dục ĐH ra đời. Năm 2014 Bộ tiếp tục ra Thông tư 45 hướng dẫn thực hiện chuyển đổi từ dân lập sang tư thục. Như vậy, thực tế từ năm 2015, nghĩa là sau 8 năm kể từ khi Thủ tướng yêu cầu 19 trường ĐH dân lập hoàn thành chuyển đổi sang tư thục, các trường ĐH mới có thể chính thức thực hiện việc chuyển đổi theo luật Giáo dục ĐH và theo thông tư hướng dẫn đầy đủ, chi tiết của Bộ", đại diện trường ĐH Công nghệ Sài Gòn nhận định.

Trường ĐH 16 năm chưa chuyển từ dân lập sang tư thục, vì sao? - Ảnh 2.

Trường ĐH Phương Đông

WEBSITE NHÀ TRƯỜNG

Sau khi có Thông tư 45, trường tiếp tục làm lại hồ sơ gửi ra Bộ, tuy nhiên, hồ sơ kèm quyết nghị của hội đồng quản trị vẫn còn những ý kiến không đồng thuận về việc chuyển quyền sở hữu tập thể sang cá nhân và thành phần cơ cấu bộ máy tổ chức của trường, nên Bộ yêu cầu làm lại để đạt sự đồng thuận. Năm 2020 trường tiếp tục làm một bộ hồ sơ gửi Bộ và được yêu cầu bổ sung một số điểm. Đến năm 2021, toàn bộ nội dung, thủ tục hồ sơ của trường đã hoàn thiện theo hướng có sự đồng thuận hoàn toàn của các nhà sáng lập và đầu tư theo đúng quy định.

Trong khi đó, nhiều năm qua Trường ĐH Phương Đông cũng gặp phải những rắc rối, phức tạp tương tự và đến năm 2022, nội bộ trường này vẫn không thống nhất được để có sự đồng thuận hoàn toàn về phương án xử lý tài chính, tài sản và giải quyết quyền lợi cho người có công.

LẬP ĐỀ ÁN RIÊNG CHO 2 TRƯỜNG

Trước thực tế đó, ngày 11.5.2022, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn và Trường ĐH Phương Đông để lấy ý kiến góp ý về Đề án chuyển đổi loại hình trường ĐH dân lập sang trường ĐH tư thục nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi của riêng 2 trường này.

Giải pháp mà dự thảo đề án đưa ra là cho phép Trường ĐH dân lập Công nghệ Sài Gòn và Trường ĐH dân lập Phương Đông hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục, cho phép các trường ĐH này vận dụng quy định của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018 đối với nhà đầu tư của cơ sở giáo dục ĐH tư thục trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi sang loại hình trường ĐH tư thục để đảm bảo quyền lợi của người học, giảng viên của 2 trường.

Đến tháng 3.2023, Bộ GD-ĐT chính thức có Đề án hoàn thiện chuyển đổi loại hình Trường ĐH dân lập Phương Đông và Trường ĐH dân lập Công nghệ Sài Gòn sang loại hình trường ĐH tư thục. Đồng thời có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã có ý kiến thống nhất với đề án hoàn thiện chuyển đổi được Bộ GD-ĐT dự thảo trước đó, còn Trường ĐH Phương Đông vẫn chưa có được ý kiến thống nhất đồng ý với đề án của Bộ. Từ đó Bộ đề xuất thực hiện hoàn thiện chuyển đổi Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn theo các nhiệm vụ, giải pháp được phê duyệt, còn Trường ĐH Phương Đông sẽ triển khai thực hiện khi nội bộ nhà trường thống nhất.

Sau đó, ngày 25.4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT, chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trực tiếp làm việc với lãnh đạo các bộ, cơ quan có liên quan để thống nhất giải pháp phù hợp với quy định, chỉ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đề xuất giải pháp phù hợp với pháp luật và thẩm quyền quyết định. 

Vướng mắc chủ yếu ở khâu tài chính, tài sản

Kinh nghiệm những năm đầu chuyển loại hình trường cho thấy khó khăn của các trường phần lớn nằm ở khâu tài chính, tài sản. Trên thực tế khi thành lập trường ĐH dân lập thì các thành viên sáng lập góp công sức bằng nhiều hình thức khác nhau như đất đai, tiền bạc, uy tín cá nhân… Sau nhiều năm hoạt động, trường hình thành được khối tài sản tích lũy rất lớn. Khi chuyển thành trường ĐH tư thục thì phải quy thành cổ phần đóng góp của từng thành viên.

Những trường đạt được thống nhất cao của các thành viên sáng lập thì quá trình chuyển thành trường ĐH tư thục được thực hiện nhanh chóng.

GS-TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Thuận lợi rất nhiều sau khi chuyển sang mô hình tư thục

Từ tháng 3 - 9.2015 Trường ĐH Văn Lang hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi. Đến tháng 10.2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc chuyển đổi loại hình của Trường ĐH Văn Lang. Sau đó, trường tiến hành đại hội nhà đầu tư vào tháng 11.2015 và bầu ra hội đồng quản trị. Sau khi chuyển sang trường ĐH tư thục, quá trình vận hành và hoạt động có nhiều thuận lợi hơn, hoàn toàn tự chủ về tài chính và tổ chức, nhân sự.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.