Trường ĐH có kế hoạch dạy thực hành, thực tập ra sao ?

Hà Ánh
Hà Ánh
18/10/2021 06:36 GMT+7

Do dịch Covid-19, sinh viên học trực tuyến từ học kỳ 2 năm học 2020 - 2021 tới nay. Dù đã bắt đầu năm học mới nhưng nhiều học phần bắt buộc thực hành, thí nghiệm và thực tập vẫn chưa thực hiện được.

Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong giờ thực thực tập trước giãn cách xã hội

đào ngọc thạch

Các trường ĐH xử lý ra sao với các sinh viên (SV) chưa hoàn thành được các nội dung học tập này?

Ưu tiên dạy trước thực hành

Thực hành là một phần bắt buộc trong chương trình đào tạo các trường, đặc biệt là khối ngành kỹ thuật, công nghiệp, sức khỏe… Việc học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng không ít đến tiến độ học tập của SV các ngành học này. Theo đại diện nhiều trường ĐH, nhiều học phần thực hành là nội dung bắt buộc không thể thay thế bằng môn học lý thuyết, cũng không thể giảng dạy trực tuyến. Vì vậy, các trường vẫn đang chờ dịch bệnh được kiểm soát để bố trí dạy trực tiếp các học phần này để đảm bảo tiến độ và chất lượng dạy học.

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết một số nội dung thực hành và thực tập doanh nghiệp trường đã linh động triển khai theo hình thức trực tuyến. Những nội dung bắt buộc phải thực hiện tại phòng thí nghiệm, thực tế tại doanh nghiệp thì trường dời lại để triển khai trực tiếp trong học kỳ sau.

“Tuy nhiên, vào cuối tháng 10, trường bắt đầu cho SV có đủ điều kiện đăng ký đến làm việc tại các phòng thí nghiệm và xưởng thực hành tại trường. SV phải có đủ điều kiện theo quy định phòng dịch và ưu tiên người học các năm cuối hoàn thành đề tài và khóa luận để kết thúc chương trình học tại trường”, thạc sĩ Thoa thông tin.

Một số trường ĐH đào tạo các ngành kỹ thuật khác đang xây dựng phương án cho SV đủ điều kiện học trực tiếp tại trường. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã thông báo sẽ mở cửa các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành tại cơ sở Q.10 ngay trong tháng 10. Trước mắt, chỉ ưu tiên người học đến trường học trực tiếp các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án môn và làm luận văn tốt nghiệp. Đây là những môn đặc thù không thể tổ chức dạy trực tuyến, chỉ có thể triển khai ngay tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng có kế hoạch tương tự. Theo PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách trường, từ ngày 1.11, trường bắt đầu tổ chức dạy trực tiếp tại trường các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học và khóa luận tốt nghiệp. SV có nhu cầu học trực tiếp phải tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19 theo quy định và có điều kiện di chuyển đến trường. Khi đến trường, SV và giảng viên sẽ được đo nhiệt độ, kiểm tra khai báo y tế và thẻ xanh Covid-19 ngay tại cổng.

Sinh viên y khoa thực tập tại bệnh viện

đào ngọc thạch

Sinh viên thực tập ra sao ?

Sinh viên được học môn thay thế bơi lội để ra trường

Không chỉ thực tập và thực hành, việc giãn cách xã hội còn ảnh hưởng đến việc đạt chuẩn đầu ra của SV. Theo quy định của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, SV muốn nhận bằng tốt nghiệp phải bơi được tối thiểu 50 m - một nội dung trong phần kỹ năng mềm của chuẩn đầu ra.

Nhưng trong một thông báo của trường gần đây, do dịch Covid-19, trường không thể tổ chức dạy học môn bơi lội và một số môn vận động khác. Để tạo điều kiện cho SV thuộc diện trễ tiến độ tốt nghiệp kịp thời được xét tốt nghiệp vào đầu năm 2022, trường có những biện pháp thay thế. Theo đó, trường mở thêm một số nhóm môn học bổ sung giảng dạy trực tuyến để SV đăng ký. Những SV bị trễ hạn hoặc quá hạn đào tạo do chưa hoàn thành môn bơi và trong kỳ 1 năm học 2021 - 2022 môn này không thể giảng dạy được, trường đồng ý cho SV được học một trong các môn để thay thế bơi lội gồm: taekwondo, hatha yoga, thể hình-fitness.

Không chỉ thực hành và làm thí nghiệm, trong chương trình đào tạo, SV còn phải hoàn thành thời gian thực tập tại các doanh nghiệp. Trong thời điểm giãn cách xã hội, các trường có những cách xử lý khác nhau với các học phần này.

Với đặc thù đào tạo y dược, một nội dung học tập quan trọng của SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là thực tập lâm sàng tại trường hoặc các bệnh viện. Theo PGS-TS Phạm Hiếu Liêm, Phó trưởng phòng điều hành phòng Quản lý đào tạo ĐH, trường ĐH này sẽ khai giảng năm học mới vào ngày 15.11 cho SV năm nhất và ngày 29.11 cho các khóa còn lại. Trước thời gian này, SV các khóa cũ sẽ thi kết thúc học phần học kỳ 2 năm học 2020 - 2021 trong 4 tuần từ đầu tháng 10 đến 25.11.

“Theo kế hoạch, tất cả các học phần lý thuyết sẽ được triển khai dạy theo hình thức trực tuyến. Đầu tháng 12, SV bắt đầu tới trường và bệnh viện để thực hành lâm sàng. Trước đây hoạt động thực hành lâm sàng diễn ra cả ngày nhưng thời gian tới, hoạt động này chỉ diễn ra trong buổi sáng”, PGS-TS Liêm cho hay.

Ông Nguyễn Gia Đường, Phụ trách khoa Tài chính - ngân hàng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết chương trình đào tạo của khoa có đợt tập sự nghề nghiệp trước khi học môn thay thế tốt nghiệp ra trường. Nhưng do giãn cách xã hội, SV không thể đến các ngân hàng, tổ chức tài chính thực tập trực tiếp. Khoa đã phải bố trí môn học khác trong thời gian học trực tuyến.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho biết trường có 2 hướng xử lý với các học phần thực hành và thực tập. Trong đó, các học phần bắt buộc phải thực hành tại xưởng cơ khí, phòng thí nghiệm hóa học, trường sắp xếp lùi lại chờ tới thời điểm học tập trung tại trường. Một số hoạt động thực tập tại doanh nghiệp, trường điều chỉnh sang các hoạt động trao đổi trực tuyến với chuyên gia đến từ các doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, việc thực tập trên tàu của SV ngành hàng hải vẫn phải thực hiện song song theo 2 hình thức: học trực tuyến phần hướng dẫn lý thuyết và thao tác trực tiếp trên tàu. Các thao tác thực hành trên tàu này vẫn phải chờ sau khi dịch được kiểm soát để triển khai”, tiến sĩ Tuấn cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.