Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được xem là phương thức xét tuyển chủ đạo của nhiều trường ĐH, đặc biệt các trường tốp đầu có nhiều thí sinh (TS) quan tâm.
DỰ BÁO ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT KHÔNG NHIỀU BIẾN ĐỘNG
Từ đánh giá của TS và giáo viên về đề thi, PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho rằng mức độ khó dễ của đề thi các môn năm nay không có quá nhiều biến động. Môn ngữ văn được nhận xét là "dễ thở", không mới và không đột phá; trong khi môn toán được nhận xét là khó, có độ phân hóa cao. Bài thi tổ hợp cơ bản vẫn như mọi năm, đa phần là kiến thức cơ bản, không đánh đố. Từ đó, PGS-TS Phương cho rằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay được dự báo như năm 2023, không có quá nhiều đột biến.
Dự báo chung về điểm chuẩn xét điểm kỳ thi này ở các trường, PGS-TS Tô Văn Phương phân tích: "Thực tế năm 2024 các trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển, ở nhiều trường chỉ tiêu dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 chiếm tỷ trọng không nhiều. Do đó, điểm trúng tuyển mở một số nhóm ngành kinh doanh quản lý, xã hội nhân văn… vẫn có thể cao hơn năm ngoái". Nêu ví dụ tại Trường ĐH Nha Trang, ông Phương cho rằng khả năng điểm chuẩn ở một số ngành "hot" như quản trị khách sạn, ngôn ngữ Anh, marketing, kỹ thuật ô tô, khoa học hàng hải, luật… sẽ tăng ít nhất nửa điểm. Các ngành còn lại điểm chuẩn có thể tương đương năm ngoái.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho rằng điểm chuẩn các trường ĐH xét tuyển bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp có thể bằng hoặc cao hơn năm ngoái, nhưng mức tăng tối đa khoảng 1 điểm. Riêng với Trường ĐH Công thương TP.HCM, điểm thi tương đương điểm chuẩn của trường năm ngoái.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng phổ điểm các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được dự báo không có nhiều biến động so với năm 2023. Trong khi phương thức xét tuyển các trường năm nay không thay đổi nhiều so với năm ngoái, dự báo điểm chuẩn các nhóm trường, nhóm ngành vẫn sẽ duy trì sự ổn định như 2 năm vừa qua. Những trường nhiều TS quan tâm vẫn có sự cạnh tranh khốc liệt trong phương thức xét này.
Đề thi KHTN khó đạt điểm 9 Giáo viên dự đoán điểm chuẩn sẽ giảm
DỰ KIẾN MỨC ĐIỂM CHUẨN
Bên cạnh tình hình đề thi thì tỷ trọng chỉ tiêu các trường dành để xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT là yếu tố quyết định đến điểm chuẩn phương thức này. Căn cứ vào tình hình xét tuyển cụ thể, đại diện các trường đưa ra dự báo về mức độ cạnh tranh của TS vào trường năm nay.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến giữ ổn định 50% tổng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp, tương đương gần 5.000 TS. "Với đề thi và tỷ trọng chỉ tiêu năm nay, điểm chuẩn các ngành của trường khả năng vẫn duy trì ở mức cao như năm ngoái, khoảng từ 19 - 26 điểm. Trong đó, các ngành "hot" nhiều TS quan tâm, điểm trúng tuyển có thể ở mức 25 - 26 điểm", tiến sĩ Nhân dự báo.
Chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay của Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự kiến từ 30 - 50% tổng chỉ tiêu (tối đa khoảng 1.300 TS). Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, cho biết tỷ trọng chỉ tiêu phương thức này không thay đổi so với năm ngoái. Dự kiến, năm nay trường vẫn còn khoảng 50% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trung bình điểm chuẩn các ngành xét điểm thi tốt nghiệp năm ngoái ở mức 8 điểm/môn.
Điểm thi tốt nghiệp THPT cũng có vai trò đặc biệt quan trọng khi xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Năm nay, phương thức xét tuyển tổng hợp của trường chiếm 75 - 90% tổng chỉ tiêu. Trong đó, học lực chiếm 90% trọng số điểm xét tuyển gồm 3 thành tố: điểm học tập bậc THPT, điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm thi tốt nghiệp THPT.
"Dù điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chỉ chiếm 20% trọng số học lực trong công thức tính điểm nhưng TS không có kết quả kỳ thi này sẽ không đủ điều kiện xét tuyển. Hiện nhà trường đã công bố điểm sàn điểm thi tốt nghiệp năm nay từ 18 trở lên", cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nói thêm.
Bình luận (0)