NGỮ LIỆU ĐỀ THI MÔN VĂN NĂM 2025 CHẮC CHẮN SẼ KHÁC
Tại cuộc họp, các phóng viên đặt vấn đề thông tin không lộ/lọt đề thi ngữ văn năm nay chỉ mới là khẳng định của ban ra đề. Vậy sắp tới Bộ GD-ĐT có tiếp tục phối hợp Bộ Công an xác minh để làm rõ điều này hay không?
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, Trưởng ban đề thi năm nay, khẳng định: "Không có chuyện lộ đề thi môn văn. Đối với môn văn, nếu có chuyện lộ/lọt đề thì phải trùng cả đoạn trích, trùng về lệnh hỏi. Nhưng với những thông tin đã có thì chúng tôi khẳng định không có chuyện này".
Chưa cảm thấy thỏa đáng với phần trả lời này, PV Thanh Niên đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT và đại diện Bộ Công an chủ trì họp báo trả lời thêm vì ông Hà chỉ là đại diện cho hội đồng ra đề thi. Thiếu tướng Trần Đình Chung, Cục trưởng Cục A03 (Bộ Công an), cho biết sau khi nhận được thông tin, Bộ Công an đã làm việc với đối tượng tạo dựng clip thông tin lộ đề thi, đối tượng này đã thừa nhận tự dàn dựng thông tin sai sự thật, đã cam kết tự nguyện gỡ bỏ. Do vậy, đã có căn cứ để khẳng định là không cần điều tra tiếp về trường hợp này.
"Tuy nhiên, để làm công tác phòng ngừa, chúng tôi phải chờ đến khi có kết quả chấm thi. Nếu phát hiện vấn đề gì bất thường chúng tôi sẽ phối hợp Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2024 điều tra, kết luận, sẽ có thông tin tới dư luận xã hội", ông Chung nói.
Những khoảnh khắc ấn tượng nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, có đủ căn cứ để khẳng định không bị lộ đề thi môn văn, nội dung đề thi cũng không trùng với nội dung trên mạng đã đưa. Qua quá trình chấm thi, phúc khảo bài thi, đối sánh, nếu phát hiện gì liên quan ngược lại với đề thi, tiếp tục phối hợp, theo chức năng của Bộ và theo chức năng của cơ quan an ninh.
Trước những quan tâm về đề thi môn ngữ văn, ông Thưởng cho biết: "Ngữ liệu môn văn của năm 2025 chắc chắn sẽ khác với chương trình được thực hiện năm 2024. Một là, với thí sinh dự thi năm 2025, chúng ta thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, nên ngữ liệu sẽ có trong nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Hai là, ngữ liệu có thể hoàn toàn nằm ngoài các bộ sách giáo khoa đó. Vì mục tiêu của chương trình là hình thành cho các em phẩm chất và năng lực chứ không phải thuộc bài, thuộc theo sách giáo khoa. Cho nên cũng hạn chế được học tủ, học lệch, hạn chế được việc đoán đề, hạn chế làm theo văn mẫu".
BỘ CÓ CẦN TỔ CHỨC THI TỐT NGHIỆP THPT NỮA KHÔNG ?
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay được thực hiện theo luật Giáo dục, đồng thời thực hiện theo Nghị quyết 29 của T.Ư, Nghị quyết 88 của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện 3 mục tiêu: Một là, để xét tốt nghiệp. Hai là, để đánh giá quá trình dạy và học trên diện rộng. Ba là, trên cơ sở tự chủ theo luật GD ĐH, các trường ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ tuyển sinh. Qua con số thống kê của những năm vừa rồi cho thấy, vẫn còn dao động từ 45 - 65% chỉ tiêu ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
"Việc ra đề thi ngày càng hướng đến năng lực, có sự phân hóa ngày càng cao, để nhiều trường có yêu cầu cao vẫn có thể sử dụng kết quả thi THPT làm căn cứ xét tuyển. Chúng tôi quan niệm, đây là kỳ thi đã được đầu tư, được sự quan tâm của toàn xã hội, do vậy chúng tôi phải đảm bảo được các mục tiêu. Đặc biệt, việc tổ chức thi là theo luật, theo quy định của nhà nước", ông Chương cho hay.
ĐỀ NGHỊ TRƯỜNG ĐH TĂNG CHỈ TIÊU XÉT TUYỂN BẰNG ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP
Ông Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, đổi mới kỳ thi năm 2025 phải đảm bảo các yếu tố giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy để lấy kết quả tuyển sinh vào ĐH, CĐ, giáo dục nghề nghiệp. "Với phương thức thi 2025 đã công bố, rõ ràng chúng ta giảm môn thi, nghĩa là giảm áp lực, giảm thời gian, giảm tốn kém mà vẫn đảm bảo độ tin cậy. Còn với tuyển sinh của các trường ĐH, theo luật thì các trường tự chủ để lựa chọn phương thức của mình. Do đó, sẽ từng bước nâng cao độ phân hóa trong đề thi", ông Thưởng phân tích.
Ông Thưởng khẳng định đến nay vẫn còn khoảng 65% chỉ tiêu ĐH dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT này. Như thế, giảm tốn kém cho xã hội rất nhiều, đặc biệt cho học sinh, nhất là học sinh vùng sâu vùng xa không có điều kiện đi lại hoặc điều kiện kinh tế tham dự nhiều kỳ thi mà vẫn có cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ như mong muốn. "Chúng tôi sẽ tham mưu cho ban cán sự Đảng, cho Bộ trưởng cũng có yêu cầu đối với các trường ĐH, CĐ nghiên cứu xem xét và tăng tỷ lệ này. Đương nhiên là phải hài hòa với quyền tự chủ của các trường ĐH", ông Thưởng nói.
Không phát hiện gian lận công nghệ cao
Ông Huỳnh Văn Chương cho biết trong cả kỳ thi có 30 TS vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi. Con số này năm 2023 là 41. Không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi. "Đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức", ông Chương nói.
Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết cho đến nay chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng công nghệ cao. Trước kỳ thi, lực lượng công an đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ coi thi ở các địa phương nhận biết các phương thức, thủ đoạn cũng như loại thiết bị mà TS có thể sử dụng. Đồng thời, công an các địa phương cũng đã rà soát kiểm tra các điểm đăng bài mua bán thiết bị công nghệ cao.
Đề toán ở Đắk Lắk in mờ, Bộ GD-ĐT nói gì ?
Tại Đắk Lắk, đề thi tốt nghiệp THPT môn toán mã 119 bị in mờ, sai lệch ký hiệu ở một số câu, tỉnh đề xuất chấm điểm tối đa nếu TS bị ảnh hưởng. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết đã nắm được thông tin này và yêu cầu Ban Chỉ đạo thi tỉnh Đắk Lắk rà soát, có phương án cụ thể và báo cáo Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia. Tinh thần chung là bảo đảm quyền lợi của TS.
Trong cuộc họp báo tổ chức chiều qua tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh này đề xuất thí sinh được điểm tối đa với câu hỏi bị mờ (0,2 điểm). Điều này gây nên nhiều ý kiến tranh luận.
Trong một nhóm cộng đồng về học sinh và sinh viên thu hút khoảng 2 triệu thành viên, không ít ý kiến bày tỏ sự phản đối. Tài khoản L.V.T. thẳng thắn: "Làm gì có chuyện đó, 0,2 là có thể đậu hoặc trượt [nguyện vọng] rồi".
L.Đ, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024 tại TP.HCM, nhận xét đề xuất được điểm tối đa với câu hỏi bị mờ của Đắk Lắk "không hợp lý", vì nhiều TS đã phải dành hàng năm trời ôn luyện chỉ để nhận thêm được 0,2 điểm. Có ý kiến cho rằng lãnh đạo ngành giáo dục tại Đắk Lắk nên tìm phương án hợp lý hơn để bảo vệ quyền lợi TS.
Thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi trực tuyến tại TP.HCM, đề xuất Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk đánh giá tác động cụ thể sau vụ việc lỗi đề thi và có thống kê chi tiết về nguyện vọng của TS. Trong trường hợp các bạn muốn dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH hoặc CĐ, tỉnh có thể tổ chức thi lại cho các em. "Trong trường hợp số TS ở diện này quá ít thì Sở cũng có thể cân nhắc cho điểm hoặc có phương án hợp lý hơn", thạc sĩ Công nói.
Tuệ Nguyễn - Quý Hiên - Ngọc Long
Bình luận (0)