Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM thêm phương thức tuyển thí sinh ‘Đường lên đỉnh Olympia’

Hà Ánh
Hà Ánh
31/03/2021 11:13 GMT+7

Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa thông qua đề án tuyển sinh chính thức, trong đó có bổ sung thêm 1 phương thức tuyển mới so với công bố dự kiến.

Hôm nay (31.3), Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM công bố đề án tuyển sinh chính thức năm 2021. So với lần công bố dự kiến trước đó, đề án này bổ sung 1 phương thức tuyển mới theo quy định riêng của trường.
Theo đó, trường này sẽ tuyển sinh theo 7 phương thức. Phương thức 1 là tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và ĐH Quốc gia TP.HCM (tối đa 5% chỉ tiêu). Phương thức 2 là ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM (tối đa 16% chỉ tiêu). Phương thức 3 là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2021 (tối đa 50% chỉ tiêu). Phương thức 4 là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (tối thiểu 25% chỉ tiêu). Phương thức 5 là xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín (tối đa 2% chỉ tiêu). Phương thức 6 là xét tuyển theo quy định của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM (tối đa 2%). Phương thức 7 là xét tuyển theo tiêu chí riêng của chương trình đối với chương trình liên kết quốc tế (không tính vào tổng chỉ tiêu).
Trong 7 phương thức này, so với công bố dự kiến, phương thức thứ 6 là phương thức mới được bổ sung vào đề án tuyển sinh năm nay.
Cụ thể, phương thức 1 bên cạnh tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm nay còn ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2021 theo quy định riêng ĐH Quốc gia TP.HCM. Hình thức ưu tiên xét tuyển thẳng này áp dụng cho tất cả các loại trường THPT trên cả nước do hiệu trưởng hoặc ban giám hiệu giới thiệu 1 thí sinh giỏi nhất theo tiêu chí: học lực giỏi và hạnh kiểm tốt trong 3 năm THPT, có điểm trung bình cộng 3 năm THPT thuộc nhóm 3 học sinh cao nhất. Tiêu chí kết hợp gồm giấy chứng nhận hoặc giấy khen đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố từ giải ba trở lên; các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; giấy chứng nhận hoặc giấy khen, hồ sơ khác liên quan đến thành tích học tập và rèn luyện trong quá trình học THPT. Học sinh đủ điều kiện trên được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào trường từ 15.5-15.6.
Phương thức 2 ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, áp dụng cho học sinh 83 trường chuyên, năng khiếu của các trường đại học thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh của 66 trường THPT đạt các tiêu chí: Trường THPT có số lượng thí sinh trúng tuyển, nhập học nhiều vào ĐHQG; Trường THPT có số lượng cựu học sinh đạt kết quả học tập cao khi học đại học tại ĐHQG; Phân bổ số lượng trường theo hướng ưu tiên khu vực tuyển sinh hoặc tỉnh/thành có số lượng thí sinh đăng ký, trúng tuyển nhiều vào ĐHQG giai đoạn 2018 - 2020. Điều kiện đăng ký là tốt nghiệp THPT năm 2021; Có hạnh kiểm tốt trong 3 năm và đáp ứng một trong các điều kiện sau: Học sinh của 82 trường chuyên, năng khiếu của các trường đại học thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc đạt tối thiểu 2 năm học sinh giỏi trong các năm học ở bậc THPT (lớp 10, 11, 12); Học sinh của 67 trường phổ thông thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT cao nhất cả nước trong các năm 2016, 2017, 2018 (theo danh sách do ĐHQG TP.HCM công bố) đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm ở bậc THPT (lớp 10, 11, 12); Là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh thành tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng trong thời gian từ 15.5-15.6.
Phương thức 3 xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức từ 600 điểm trở lên. Thời gian xét tuyển gồm 2 đợt, dự kiến đợt 1 từ 10.4-25.4 và đợt 2 từ 15.6-15.7.
Phương thức 4 xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, từ 19 điểm (cho tất cả các ngành và tổ hợp xét tuyển). Đối với những ngành sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh, tiếng Nhật có sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, điểm dùng để xét tuyển sẽ được quy đổi theo quy định của trường.
Phương thức 5 xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín dành cho nhóm đối tượng 1 (xét tuyển vào tất cả các ngành): Thí sinh người Việt Nam tốt nghiệp THPT Việt Nam hoặc nước ngoài; Nhóm đối tượng 2 (chỉ xét tuyển vào chương trình tiên tiến ngành hệ thống thông tin - học bằng tiếng Anh) với thí sinh người nước ngoài tốt nghiệp THPT nước ngoài. Điều kiện chung: Có hạnh kiểm tốt trong các năm học ở THPT; Tối thiểu đạt danh hiệu học sinh khá trong các năm học THPT; Có chứng chỉ quốc tế thỏa một trong những điều kiện sau: Chứng chỉ SAT có điểm từ 510 trở lên cho mỗi phần thi; Chứng chỉ ACT có điểm trung bình từ 21 trở lên; AS/A level có điểm từ C-A cho mỗi môn thi; Tú tài quốc tế (IB) có tổng điểm từ 21 trở lên; Các văn bằng, chứng chỉ quốc tế uy tín khác được Hội đồng tuyển sinh chấp thuận.
Phương thức 6 ưu tiên xét tuyển thẳng theo phương thức riêng của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM. Phương thức này áp dụng cho thí sinh đạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam/Olympic phần mềm mã nguồn mở (Procon); Thí sinh đạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 kỳ thi “Lập trình Châu Á - ICPC Asia (cấp quốc gia); Thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba từ kỳ thi tháng trở lên trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2019, 2020.
Phương thức 7 xét tuyển theo tiêu chí riêng của chương trình liên kết cho ngành khoa học máy tính, mạng máy tính và an toàn thông tin. Thí sinh tốt nghiệp THPT tại Việt Nam và đạt chứng chỉ IELTS từ 5.5 (hoặc chứng chỉ khác được Bộ GD-ĐT chấp thuận là tương đương); Hoặc thí sinh đã học và tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương) tại cơ sở giáo dục nước ngoài mà ngôn ngữ học bằng tiếng Anh.
Thông tin xét tuyển từng ngành như bảng sau:
Trước đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2021 với 6 phương thức xét tuyển. Đề án tuyển sinh chính thức này trường có bổ sung 1 phương thức xét tuyển riêng theo quy định của trường cho năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.