Trường ĐH FPT có nguy cơ dừng đào tạo trong Khu công nghệ cao TP.HCM, vì sao?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
21/06/2024 16:02 GMT+7

Do vi phạm một số điều khoản trong việc thực hiện dự án Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu công nghệ, Trường ĐH FPT đang bị Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đề nghị dừng đào tạo sinh viên trong khu vực này.

Mới đây, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã có văn bản gửi Trường ĐH FPT về dự án Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu công nghệ ĐH FPT trong Khu công nghệ cao, nêu ra một số vi phạm của trường trong việc thực hiện dự án và tổ chức đào tạo sinh viên trong Khu công nghệ cao TP.HCM không đúng quy định.

Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 400 tỉ đồng 

Văn bản này cho biết Ban quản lý Khu công nghệ cao là đơn vị quản lý dự án đầu tư Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu công nghệ ĐH FPT từ năm 2013. Theo đó, tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp lần đầu vào tháng 10.2013, dự án này do Trung tâm công nghệ phần mềm TP.HCM đầu tư. Nhưng sau đó, vào tháng 11.2015, dự án được Ban quản lý chấp thuận điều chỉnh chủ đầu tư thành Viện đào tạo quốc tế FPT TP.HCM.

Trường ĐH FPT có nguy cơ dừng đào tạo trong Khu công nghệ cao TP.HCM, vì sao?- Ảnh 1.

Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TP.HCM

WEB TRƯỜNG

Mục tiêu của dự án là góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ươm tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Dự án này sẽ xây dựng trung tâm đào tạo các chuyên ngành công nghệ thông tin như kỹ thuật phần mềm, khoa học máy tính, hệ thống thông tin, kỹ thuật điện tử truyền thông. Bên cạnh đó, đào tạo ngắn hạn về công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin như robot, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây, hạ tầng mạng và an toàn thông tin.

Đồng thời dự án cũng xây dựng trung tâm nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tập trung vào các hướng robot, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây, hạ tầng mạng và an toàn thông tin.

Với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 400 tỉ đồng được cấp toàn bộ từ Trường ĐH FPT, tiến độ thực hiện dự án đi vào hoạt động ổn định từ tháng thứ 48 và hoàn tất nghĩa vụ góp vốn vào tháng 9.2019.

Vi phạm quy định của luật Đầu tư

Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, trung tâm này đi vào hoạt động từ tháng 10.2019, đang tập trung triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, an toàn thông tin và kỹ thuật phần mềm; trong đó đào tạo bậc ĐH (kỹ sư) chiếm 99,09%, bậc sau ĐH (thạc sĩ) chiếm 0,9%. Doanh thu từ đào tạo là 751,666 triệu đồng.

Ngoài ra, trung tâm có triển khai hoạt động nghiên cứu một số công nghệ cao như robot, trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ, hình ảnh và triển khai vườn ươm trải nghiệm khởi nghiệp. Các hoạt động này chưa có doanh thu.

Đoàn kiểm tra của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đánh giá việc đào tạo bậc ĐH (kỹ sư) chiếm 99,09% là không đúng mục tiêu được cấp tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Dự án cũng không thực hiện báo cáo quý, báo cáo năm và báo cáo giám sát đầu tư theo quy định tại điều 2 về điều kiện ràng buộc của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Dự án đã có dấu hiệu vi phạm quy định của luật Đầu tư năm 2020 và quy định của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, điều kiện ràng buộc được nêu trong giấy chứng nhận là: trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung dự án hoặc chậm triển khai dự án theo tiến độ và các nội dung đã cam kết (trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có sự đồng ý bằng văn bản của ban quản lý), ban quản lý có quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tại buổi làm việc giải trình về lý do Phân hiệu Trường ĐH FPT TP.HCM tiếp đoàn kiểm tra của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM vào tháng 8.2023, ông Trần Ngọc Tuấn, Phó hiệu trưởng, Giám đốc phân hiệu, cung cấp bản sao quyết định của trường về việc sáp nhập Viện đào tạo quốc tế FPT TP.HCM vào Phân hiệu Trường ĐH FPT TP.HCM. Theo đó, quyết định này nêu chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Viện đào tạo quốc tế TP.HCM sang Phân hiệu Trường ĐH FPT tại TP.HCM, đồng thời chấm dứt sự tồn tại và xóa tên trong sổ đăng ký đối với tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định hiện hành.

Theo ban quản lý, việc Trường ĐH FPT ban hành quyết định sáp nhập giải thể và chấm dứt sự tồn tại của Viện đào tạo quốc tế FPT, xóa sổ pháp nhân đang là nhà đầu tư một dự án trong Khu công nghệ cao TP.HCM và tự ý giao cho đơn vị mới là Phân hiệu Trường ĐH FPT TP.HCM tiếp quản toàn bộ dự án tại Khu công nghệ cao mà chưa có sự đồng ý và chấp thuận của Ban quản lý Khu công nghệ cao là không đúng nội dung quy định tại điều 1 của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp.

Ngoài ra, việc xây dựng Phân hiệu Trường ĐH FPT trong Khu công nghệ cao là không phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghệ cao của UBND TP.HCM.

Như vậy việc hoạt động phân hiệu trường ĐH trong Khu công nghệ cao đã được Ban quản lý thông tin đến Trường ĐH FPT là không phù hợp quy hoạch của Khu công nghệ cao do UBND thành phố duyệt từ năm 2013. Tuy nhiên trên trang thông tin điện tử của Trường ĐH FPT đều giới thiệu Phân hiệu ĐH FPT TP.HCM trong Khu công nghệ cao TP.HCM.

 Đề nghị dừng đào tạo và ngưng các hoạt động 

Từ những vi phạm trên, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM không đồng ý Phân hiệu Trường ĐH FPT sử dụng địa điểm trong Khu công nghệ cao tại địa chỉ lô E2a-7, do không phải là nhà đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Ban quản lý cấp. Đồng thời việc sử dụng địa điểm thực hiện dự án để đào tạo sinh viên là không phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện hữu và không phù hợp quy hoạch khu công nghệ cao được UBND thành phố phê duyệt.

Ban quản lý cũng đề nghị Phân hiệu Trường ĐH FPT TP.HCM ngưng việc đào tạo bậc ĐH cho sinh viên tại dự án Khu công nghệ cao và ngừng các hoạt động khác tại dự án do không phải là nhà đầu tư trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp.

Đồng thời, đề nghị Trường ĐH FPT gỡ bỏ các thông tin giới thiệu Phân hiệu Trường ĐH FPT TP.HCM trong Khu công nghệ cao trên các trang thông tin điện tử của Trường ĐH FPT nói riêng và Công ty cổ phần FPT nói chung.

Sẽ bổ sung hồ sơ điều chỉnh dự án

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, đại diện Trường ĐH FPT, cho biết trường đã có giải trình, bổ sung hồ sơ gửi Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM.

Theo vị đại diện này, Viện đào tạo quốc tế FPT vẫn tồn tại, có mã số thuế, giấy phép và con dấu. "Việc viện này sáp nhập vào Phân hiệu Trường ĐH FPT TP.HCM là để bớt đầu mối quản lý và vẫn đang trong quá trình thực hiện chứ chưa giải thể", đại diện trường cho hay.

Theo vị đại diện này, dự dự án đầu tư xây dựng một cơ sở đào tạo và nghiên cứu công nghệ Trường ĐH FPT trong Khu công nghệ cao TP.HCM được trường triển khai từ năm 2013, và giao cho một đơn vị thành viên của trường là Viện Đào tạo quốc tế FPT TP.HCM đứng tên làm chủ đầu tư. Sau khi công trình được xây dựng và trang bị xong, chủ trương của nhà trường giao lại để Trường ĐH FPT quản lý vận hành trực tiếp theo nội dung ghi trong Quyết định đầu tư, đồng thời giải thể Viện Đào tạo quốc tế FPT TP.HCM.

"Quá trình chuyển đổi đang được tiến hành và chưa hoàn tất. Đã có sự hiểu nhầm giữa Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM và Trường ĐH FPT là dường như chủ đầu tư dự án (Viện Đào tạo quốc tế FPT TP.HCM) đã giải thể, và dự án hiện không có chủ đầu tư quản lý, nên đã đề nghị dừng các hoạt động của dự án để giải quyết", đại diện Trường ĐH FPT.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.