Không có hội đồng tuyển sinh nhưng có quyết định trúng tuyển
Từ hai năm nay nhiều người đã gõ cửa Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội để đòi bằng tốt nghiệp đại học văn bằng 2 (VB2) ngành ngôn ngữ Anh, sau khi đã đóng rất nhiều tiền và theo học các khóa học do nhà trường chiêu sinh. Tuy nhiên, trường này đã từ chối trách nhiệm và khẳng định không biết gì về các lớp VB2 đó.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, cuối năm 2022 Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học chính quy VB2 ngành ngôn ngữ Anh cho một số người học. Một số ý kiến cho rằng sở dĩ có việc này là bởi nhà trường đào tạo "chui". Theo chính văn bản kết luận thanh tra của trường này thì đã có những khóa đào tạo đại học chính quy trên danh nghĩa, thu rất nhiều tiền của người học, nhưng không có gì chứng tỏ có hoạt động giảng dạy.
Chẳng hạn về việc tuyển sinh, trường thừa nhận không thành lập hội đồng tuyển sinh và các ban đề, ban coi thi, ban chấm thi, xét tuyển, ban thanh tra; không tổ chức xét tuyển hoặc tuyển; không họp hội đồng tuyển sinh xét trúng tuyển; không có đủ hồ sơ thí sinh. Nhưng lại có quyết định trúng tuyển do một phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo ký.
Không giảng dạy, có thu tiền
Các lớp VB2 này tuy có kế hoạch đào tạo nhưng trên kế hoạch đó không ghi tên cũng như không phân công giảng viên dạy, không có chữ ký lãnh đạo trường. Thời khóa biểu 4 kỳ không có chữ ký của lãnh đạo (ngoài lớp BV22.1 có chữ ký của Phó hiệu trưởng Vũ Văn Hóa).
Việc tổ chức đào tạo trong 2 năm liên tục được hoàn toàn thực hiện bằng hình thức trực tuyến (trong khi Bộ GD-ĐT chỉ cho phép dạy trực tuyến tối đa 30% thời lượng). Không tổ chức thực tập. Không có minh chứng cho thấy có sự giám sát lớp học (nghĩa là giảng viên có giảng bài, sinh viên có học hay không) của nhà trường.
Việc thi kết thúc học phần, đánh giá khóa luận tốt nghiệp đều chưa thực hiện đúng và đầy đủ theo đúng quy định về đào tạo đại học chính quy.
Cũng không có minh chứng về việc tổ chức thi hết học phần, như: không thành lập hội đồng thi (mà chỉ thành lập ban chức năng giúp việc cho hội đồng thi), không có minh chứng cho thấy nhà trường đã thực hiện các khâu ra đề, coi thi, chấm thi…; không phân công hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp, không có minh chứng thể hiện việc thành lập hội đồng đánh giá khóa luận tốt nghiệp, không có bảng điểm các học phần hoặc không có bảng điểm bảo vệ khóa luận tốt nghiệp… (nếu có cũng không đúng quy định).
Trong khi đó, học phí thu được từ các lớp kể trên là rất lớn. Với 2 lớp VB2 tại cơ sở Nguyễn Đức Cảnh, tổng số tiền thu theo danh sách học viên là gần 4 tỉ đồng. Chính xác là 3,924 tỉ đồng. Tại cơ sở Vũ Trọng Phụng (có 1 lớp), nhà trường cho biết không có số liệu học phí đã thu.
Chối bỏ trách nhiệm
Được biết, đầu năm 2021, bà Trần Thị Thúy Hà, Phó chủ nhiệm khoa Tiếng Anh B, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, đã trình lên ban giám hiệu nhà trường xin chủ trương mở các lớp VB2 ngôn ngữ Anh ngoài trường. Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của trường là ông Vũ Văn Hóa đã ký đồng ý vào các tờ trình này. Sau đó, tại cơ sở Nguyễn Đức Cảnh đã có 2 lớp VB2.12 và VB2.13 (A, B), tại cơ sở Vũ Trọng Phụng có 1 lớp VB2.1.
Tuy nhiên, theo Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, các tờ trình trên là tự ý cá nhân bà Trần Thị Thúy Hà lấy danh nghĩa Khoa Tiếng Anh B để làm, còn khoa không có chủ trương cũng như không biết gì về các lớp VB2 nói trên. Lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo cũng có tờ trình VB2 đó. Từ năm học 2020 - 2021 đến nay, nhà trường cũng không tổ chức tuyển sinh và đào tạo VB2 trình độ đại học cho bất cứ ngành học nào và cũng không ký hợp đồng hợp tác với bất cứ đơn vị nào ngoài trường.
Từ đó, nhà trường kết luận việc bà Trần Thị Thúy Hà trình mở các lớp VB2 tiếng Anh ngoài trường là làm trái quy định về thủ tục hành chính và vi phạm nhân danh, giả mạo Khoa Tiếng Anh B. Các tờ trình của bà Hà đã trình không có giá trị pháp lý (cho dù đã được phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo ký đồng ý), nên mọi hậu quả phát sinh nhà trường không chịu trách nhiệm.
Bình luận (0)