Trường ĐH Luật TP.HCM chính thức có hiệu trưởng mới sau hơn 5 năm

Hà Ánh
Hà Ánh
21/09/2023 15:38 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025. Trường ĐH Luật TP.HCM chính thức có hiệu trưởng mới sau hơn 5 năm khuyết vị trí này.

Chiều nay 21.9, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức lễ công bố quyết định công nhận hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có quyết định công nhận tiến sĩ Lê Trường Sơn giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định này của Bộ GD-ĐT được ban hành căn cứ Nghị quyết của Hội đồng trường Trường ĐH Luật TP.HCM về việc thống nhất đề nghị bổ nhiệm trên.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (phải) trao quyết định công nhận hiệu trưởng cho tiến sĩ Lê Trường Sơn

HÀ ÁNH

Tiến sĩ Lê Trường Sơn (52 tuổi) tốt nghiệp ĐH ngành luật, chuyên ngành luật kinh tế tại Trường ĐH Luật TP.HCM năm 1994. Ông được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ luật cũng tại trường này.

Ông Sơn bắt đầu công tác tại Trường ĐH Luật TP.HCM từ năm 1995. Từ năm 1994-1996, ông là giảng viên khoa Luật kinh tế, sau đó công tác tại Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, rồi Phòng Sau ĐH của Trường ĐH Luật TP.HCM. Từ năm 2007 đến tháng 4.2013, ông là Phó trưởng phòng Quản trị-Thiết bị. Sau đó, ông giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM từ tháng 4.2013 đến nay.

Đến tháng 4.2023, Trường ĐH Luật TP.HCM công bố Nghị quyết của Hội đồng trường giao tiến sĩ Lê Trường Sơn (lúc đó là Phó hiệu trưởng) phụ trách trường từ ngày 1.5 cho đến khi có quyết định về nhân sự hiệu trưởng.

Như vậy, sau hơn 5 năm kể từ thời điểm GS-TS Mai Hồng Quỳ thôi làm hiệu trưởng vì hết tuổi làm quản lý vào năm 2018 đến nay, Trường ĐH Luật TP.HCM mới chính thức có hiệu trưởng mới. Trong giai đoạn từ tháng 3.2018 đến hết tháng 4.2023, trường ĐH này chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách và quyền hiệu trưởng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu trong buổi lễ

HÀ ÁNH

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho biết y dược, sư phạm, luật là 3 lĩnh vực rất quan trọng, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, chính trị. Trong số các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT, những trường thuộc 3 khối ngành này luôn được quan tâm đặc biệt.

Riêng ngành luật được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Điều này được thể hiện trong các nghị quyết đại hội Đảng, chủ trương phê duyệt đề án phát triển 2 trường ĐH luật trở thành trường trọng điểm, trong đó có Trường ĐH Luật TP.HCM.

Ông Sơn cho biết Bộ GD-ĐT ghi nhận những đóng góp của Trường ĐH Luật TP.HCM thời gian qua về đào tạo, nghiên cứu và công tác tư vấn chính sách. Đứng trước những yêu cầu phát triển giai đoạn mới, ông Sơn cho rằng tập thể nhà trường nhiệm kỳ này có những vai trò và trọng trách rất lớn.

Với việc phát triển đội ngũ, ông Sơn cho biết hiện trong số hơn 280 giảng viên của trường, tỷ lệ người có trình độ tiến sĩ mới đạt trên 29%. Con số này là khá so với các trường đào tạo luật khác, nhưng với yêu cầu phát triển thì cần phải gia tăng đội ngũ, trong đó có việc tăng tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ. Bên cạnh đó, nhà trường cần rà soát chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn luật với đời sống.

Về cơ sở vật chất, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nhà trường cần chú ý gỡ nút thắt về đầu tư để nhanh chóng phát huy cơ sở mới tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). "Một nút thắt mà qua đến 4 đời hiệu trưởng, bí thư chưa giải quyết được thì rất khó chấp nhận được", người đứng đầu Bộ GD-ĐT nói.

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, nhà trường chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên. Cụ thể, nhà trường sẽ xây dựng các chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút, tạo nguồn cán bộ giảng viên từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại trường. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.