NĂM SAU CAO HƠN NĂM TRƯỚC
Tính đến thời điểm này, Trường ĐH Văn Lang có tổng nguồn thu cao nhất trong số các trường ĐH trên cả nước, với 1.758 tỉ đồng trong năm học 2022 - 2023, chủ yếu là từ học phí (HP). Trước đó, vào năm 2020 - 2021, tổng nguồn thu của trường chỉ là 776 tỉ đồng và năm 2021 - 2022 là 1.030 tỉ đồng. Điều đó cho thấy, nguồn thu từ HP của trường tăng mạnh sau mỗi năm. Cụ thể năm 2021 tăng 32% so với năm trước, nhưng năm 2022 tăng đến 70% so với 2021.
Theo tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, nguồn thu của trường tăng là do quy mô đào tạo tăng vượt bậc. Nếu như năm học 2018 - 2019, trường chỉ có tổng số 13.200 sinh viên (SV) thì sau 2 năm, đến năm học 2020 - 2021, quy mô tăng vọt thành 30.652 SV. Năm học 2021 - 2022 là 38.673 SV và năm 2022 - 2023, quy mô đào tạo lên tới gần 43.000 SV.
Trường có 3 chương trình ĐH với 3 mức HP khác nhau. Trong đó, chương trình tiêu chuẩn có mức HP dao động từ 20 - 30 triệu đồng/học kỳ, riêng ngành răng hàm mặt có mức HP từ 80 - 100 triệu đồng/học kỳ. Ngoài ra còn chương trình đặc biệt với 1 - 2 triệu đồng/tín chỉ và chương trình liên kết quốc tế với mức HP hàng trăm triệu đồng/năm.
Ngoài quy mô đào tạo ĐH, trường còn đào tạo 14 ngành thạc sĩ với HP từ 80 - 100 triệu đồng/năm, thạc sĩ liên kết quốc tế là 195 triệu đồng/năm, còn HP chương trình tiến sĩ cũng hàng trăm triệu đồng/năm.
Nguồn thu từ Trường ĐH FPT cũng tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Nếu như năm 2020 tổng thu của trường là 911,8 tỉ đồng (từ HP là 842,8 tỉ đồng, chiếm 92,4%) thì năm 2021 tổng thu là 1.292 tỉ đồng và nguồn thu từ HP cũng chiếm hơn 90%. Trước đó, năm 2018 - 2019 nguồn thu của trường chỉ là 352,1 tỉ đồng.
Nguồn thu của trường này tăng một phần là do quy mô đào tạo tăng. Cụ thể năm 2019 - 2020 quy mô đào tạo bậc ĐH là 12.937 SV thì đến năm 2021 - 2022 tăng tới 22.210 SV và năm 2022 - 2023 là 34.943 SV. Trong khi đó mức HP cũng tăng nhẹ theo từng năm, ví dụ năm 2021 là 25,3 triệu đồng/học kỳ thì năm 2022 là 27,3 triệu đồng/học kỳ và 2023 là 28,7 triệu đồng/học kỳ.
Trong khi đó, năm 2022 - 2023, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng góp mặt vào "những trường ĐH doanh thu nghìn tỉ" nhờ quy mô từ 22.612 SV năm 2020 - 2021 tăng thành 29.689 SV năm 2022 - 2023. Tổng nguồn thu của trường năm 2020 - 2021 là 805,24 tỉ đồng, đến năm 2021 - 2022 là 921,767 tỉ đồng và năm 2022 - 2023 là hơn 1.162 tỉ đồng. Bên cạnh đó, HP trong 3 năm trở lại đây của trường cũng tăng nhẹ mỗi năm góp phần làm nguồn thu tăng.
Nguồn thu từ HP của một số trường ĐH khác trong mấy năm gần đây cũng tăng đáng kể. Từ năm 2021 - 2022, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã "lọt" vào trường ĐH có doanh thu nghìn tỉ (1.044 tỉ đồng) nhờ quy mô tới 23.435 SV, 893 thạc sĩ và 5 tiến sĩ. Đến năm 2022 - 2024 trường có tổng thu 1.145 tỉ đồng trên quy mô 27.422 SV, 676 thạc sĩ và 7 tiến sĩ.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2022 - 2023 nguồn thu HP chỉ có gần 360 tỉ đồng nhưng năm 2023 - 2024 đã tăng thành 822 tỉ đồng trên quy mô 10.315 SV, 618 thạc sĩ và 34 tiến sĩ. Trường ĐH Văn Hiến cũng từ 309 tỉ đồng năm 2021 - 2022 tăng thành 609 tỉ đồng năm 2022 - 2023 do quy mô tăng từ 11.382 SV, 284 thạc sĩ lên 14.919 SV và 309 thạc sĩ. Trong khi đó nguồn thu từ HP của Trường ĐH Hoa Sen cũng tăng từ 511 tỉ đồng năm 2020 lên 654 tỉ đồng năm 2021 và 680,288 tỉ đồng năm 2022.
VÌ SAO VẪN CHỦ YẾU PHỤ THUỘC VÀO HP ?
Các trường ĐH thời gian qua, đặc biệt là các trường tư thục, nguồn thu chính vẫn đến từ HP, chỉ một số ít trường có thêm nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nhưng cũng không đáng kể.
Lý giải về điều này, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng không đơn giản để một trường ĐH đào tạo về kinh tế, dịch vụ có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
"Thường các trường ĐH mạnh về khối ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ thì phát triển nguồn thu từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sẽ dễ hơn là các trường đào tạo về kinh tế, dịch vụ. Chưa kể muốn có sản phẩm khoa học công nghệ để chuyển giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thì trường ĐH phải có nguồn lực về đội ngũ nhà khoa học, và công nghệ phải mới hơn, ưu việt hơn, trong khi thực tế doanh nghiệp họ sẵn sàng mua các sản phẩm khoa học có sẵn từ nước ngoài, sẽ không tốn thời gian để chờ đợi so với việc hợp tác với trường để nghiên cứu", PGS-TS Ngọc Thúy nhận định.
Theo bà Thúy, các trường ĐH nổi tiếng thế giới như Harvard, bên cạnh HP, họ có thêm nguồn đầu tư từ các cựu SV, từ doanh nghiệp thông qua quỹ đầu tư. Một số trường còn tăng thu từ các sản phẩm thời trang hay phụ kiện có in tên thương hiệu trường. "VN mình sẽ khó có nguồn đầu tư từ cựu SV. Thứ nhất không có nhiều SV thành đạt ở mức tỉ phú để sẵn sàng quay lại trường đóng góp một khoản kinh phí lớn như nước ngoài, thứ 2 nếu họ đóng góp thì phải thành lập quỹ đầu tư, mà điều này sẽ rất phức tạp. Thứ 3, trường ĐH tư thục ở VN hầu hết là trường ĐH của chủ đầu tư có thu lợi nhuận nên khó thu hút được cho quỹ đầu tư này".
Theo PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ngay cả các trường ĐH lớn ở nước ngoài dù đã có các khoản đầu tư từ chính phủ, doanh nghiệp và cựu SV đóng góp, tuy nhiên HP của họ vẫn chiếm trên 50%. Điều này cho thấy HP vẫn là một nguồn quan trọng để duy trì hoạt động của một trường ĐH. Không nằm ngoài bối cảnh đó, hiện nay nguồn thu của các trường ĐH ở VN vẫn chủ yếu từ HP tuy đã có xu hướng giảm dần tỷ trọng.
Tìm cách giảm gánh nặng cho người học
"Để giảm gánh nặng cho người học, các trường cần phải tìm các loại hình hoạt động hợp pháp khác hướng đến việc giảm phụ thuộc hoàn toàn vào HP. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường kết nối để thực hiện các đề án từ địa phương, doanh nghiệp. Nguồn thu từ các hoạt động đào tạo đặc thù, các mô hình đào tạo chất lượng cao, dịch vụ đào tạo... cũng được chú trọng. Ngoài ra cựu SV của trường cũng đóng góp rất nhiều vào việc hỗ trợ các hoạt động của nhà trường, góp phần làm giảm tỷ lệ nguồn thu từ HP", PGS-TS Trần Thiên Phúc chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Minh Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng không còn cách nào khác là vẫn phải hướng đến việc tạo ra các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức để thực hiện các công trình nghiên cứu, dự án, chương trình...
"Trường ĐH Cần Thơ thời gian qua tăng nguồn thu từ các hoạt động chuyển giao công nghệ, hợp tác với tổ chức, trường ĐH trong và ngoài nước để thực hiện nhiều dự án cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, môi trường, thủy sản, biến đổi khí hậu...", thạc sĩ Khang cho hay.
Theo ông Khang, nếu giảm nguồn thu HP, thì trước tiên sẽ giảm gánh nặng về tài chính cho người học. Lúc này người học sẽ có lợi và đi học nhiều hơn. Bên cạnh đó, giảm sự phụ thuộc vào HP cũng sẽ khiến trường ĐH giảm áp lực trong tuyển sinh, lúc đó không còn phải bằng mọi cách phải tuyển sinh được số lượng lớn mới có đủ nguồn thu nữa.
PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy cho biết để tăng thêm nguồn thu khác, những năm qua trường đẩy mạnh đào tạo ngắn hạn với doanh nghiệp và doanh thu mảng này có thể nói cũng khả quan. "Trường cũng có mục tiêu trong tương lai sẽ sở hữu thương hiệu về thời trang và đồ dùng cá nhân mang tên Hoa Sen. Để đạt được điều đó, ngay từ bây giờ chúng tôi đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu trường thông qua văn hóa, chất lượng đào tạo", bà Thúy bày tỏ.
Trong khi đó, tiến sĩ Võ Văn Tuấn thông tin Trường ĐH Văn Lang đang xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để phát triển mảng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở các ngành kỹ thuật, công nghệ. Đây cũng là một trong các kế hoạch góp phần tăng thêm nguồn thu khác ngoài HP.
Bình luận (0)