Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Những bước đi được Thủ tướng đánh giá cao

31/10/2017 08:00 GMT+7

Sáng 29.10, tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Trường đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức kỷ niệm 18 năm thành lập trường, phát động lễ trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, chào mừng năm học mới 2017 - 2018.

Tại buổi lễ này, rất nhiều thành quả mà tập thể nhà trường đồng lòng xây dựng trong suốt 18 năm qua đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao.
Sản phẩm xã hội hóa thành công
Có thể nói Trường đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành là ngôi trường được ra đời ngay từ giai đoạn bắt đầu của chủ trương xã hội hóa giáo dục. Từ một trung tâm đào tạo công nhân may thuộc Công ty dệt may Sài Gòn năm 1999, trải qua nhiều tên gọi, loại hình đào tạo, đến năm 2011 trở thành Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Với lợi thế xuất phát ban đầu từ doanh nghiệp, việc đào tạo nhân lực trở thành điểm mạnh trong suốt 18 năm qua của trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kết quả mà trường đạt được thời gian qua, trong đó có thành công trong xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực. Từ một đơn vị trực thuộc tập đoàn dệt may đã thoái vốn 100% để xã hội hóa, thu hút các nguồn lực trong xã hội để phát triển thành trường ĐH lớn mạnh như hiện nay. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đạt chuẩn quốc tế 3 sao của Tổ chức QS-Stars, chính thức là thành viên liên kết của Tổ chức AUN-QA. Chỉ trong thời gian rất ngắn, nhà trường đã đạt được những thành tích thật sự ấn tượng, đóng góp thiết thực trong công tác đào tạo - phát triển nguồn nhân lực của đất nước và các tỉnh phía nam.
Những thành tích được Thủ tướng nhận xét đều xuất phát từ thực tế. Đến nay, trường đã xây dựng được gần 100.000 m2 sàn phòng học, phòng học lý thuyết, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, 100% phòng học đều có máy lạnh và phủ sóng wifi, trang bị 3.000 máy tính và các thiết bị dạy học hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng chỗ học cho gần 20.000 sinh viên tại 5 khối ngành: sức khỏe, kinh tế - quản trị, xã hội - nhân văn, kỹ thuật - công nghệ, nghệ thuật - mỹ thuật.
“Tôi biết trường có hơn 20.000 sinh viên, với tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của trường đạt trên 95%. Việc gắn giáo dục - đào tạo với nhu cầu xã hội là vấn đề rất lớn của giáo dục nước ta. Trường đã nghiên cứu, hợp tác tốt với đơn vị sản xuất, dịch vụ, đơn vị sự nghiệp... để có lớp cán bộ kỹ thuật, kinh doanh đáp ứng nhu cầu này. Đây là hướng đi đúng để phát triển bền vững là bài học chung cho nhiều trường ĐH”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Những bước đi tương lai
Sau những thành công vừa đạt được, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang thực hiện những bước đi mới. Đây là một trong những quyết định sống còn trong cơn lốc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ngay cả trong lĩnh vực giáo dục.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trường sẽ là trường ĐH liên kết với doanh nghiệp, có trách nhiệm với xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự từ cuộc cách mạng 4.0. Với mục tiêu xây dựng trường học thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp, trường đã đầu tư 3 dự án gồm: Trung tâm phát triển công nghệ cao, Trung tâm đào tạo công nghệ cao và Công viên Thiên niên kỷ tại Khu công nghệ cao TP.HCM với tổng kinh phí đầu tư hàng ngàn tỉ đồng”.
Hướng đi này của trường không ngoài hướng đi mà Chính phủ mong muốn các trường ĐH thực hiện. Năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định là năm quốc gia khởi nghiệp. Gần đây, phát biểu tại ĐH Quốc gia TP.HCM, Thủ tướng cũng cho biết chương trình cách mạng công nghiệp đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới. Khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp. Trong đó, trường ĐH phải là nơi khơi nguồn khởi nghiệp.
Từ những “mệnh lệnh” của thời đại, trong thời gian vừa qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã trở thành nơi ươm mầm cho sinh viên khởi nghiệp. Cụ thể, ngay từ ban đầu, lãnh đạo nhà trường đã quyết định xây dựng các đơn vị hỗ trợ những dự án khởi nghiệp như Trung tâm sáng tạo và ươm tạo doanh nghiêp, CLB Khởi nghiệp sáng tạo. Các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp cũng thường xuyên được tổ chức, nhằm tìm ra những dự án xuất sắc, giúp sinh viên xây dựng và phát triển thương hiệu. Hằng năm, nhà trường trích ra hàng tỉ đồng để hỗ trợ cho các chương trình khởi nghiệp của sinh viên được thực hiện một cách tốt nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.