Theo đó, số thí sinh dự thi đánh giá năng lực là 4.667 thuộc tỉnh Bình Định và các tỉnh, thành khác trên cả nước, tăng gấp đôi so với năm 2022. Đây cũng là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ngoài thủ đô Hà Nội.
Các thí sinh dự thi chủ yếu là học sinh lớp 12 hoặc đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương), có đủ sức khỏe và không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo ĐH của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hoặc đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo ĐH của các trường ĐH công nhận và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển.
Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Để tổ chức kỳ thi, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo hướng chuẩn hóa.
Ngoài ra, đánh giá tầm quan trọng của việc phân tích đề thi, trường đã xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách phân tích đề thi theo các lý thuyết khảo thí hiện đại. Trường hiện có 4 cán bộ phân tích đề thi, bao gồm: 1 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh và 2 thạc sĩ chuyên ngành đo lường, đánh giá trong giáo dục.
Bình luận (0)