Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt bằng môn nào?

Hà Ánh
Hà Ánh
07/12/2024 06:35 GMT+7

Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển cho các ngành đào tạo. Trường sử dụng điểm thi môn nào để xét tuyển vào từng ngành cụ thể?

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt bằng môn nào?- Ảnh 1.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

ẢNH: N.T

31 ngành xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt

Từ năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt gồm 6 bài thi: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh. Theo định hướng tuyển sinh năm 2025, phương thức xét tuyển này áp dụng cho 40-50% chỉ tiêu của 31 ngành.

Trong đó, lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên gồm 19 ngành: giáo dục học, quản lý giáo dục, giáo dục tiểu học, giáo dục đặc biệt, giáo dục công dân, giáo dục chính trị, giáo dục quốc phòng-an ninh, sư phạm toán học, sư phạm tin học, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn, sư phạm tiếng Anh, sư phạm tiếng Nga, sư phạm tiếng Pháp, sư phạm tiếng Trung, sư phạm công nghệ, sư phạm khoa học tự nhiên.

Lĩnh vực nhân văn gồm 6 ngành: ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc, văn học.

Lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi gồm ngành Việt Nam học.

Lĩnh vực khoa học sự sống có ngành sinh học ứng dụng.

Lĩnh vực khoa học tự nhiên có ngành vật lý học và hóa học.

Lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin có ngành công nghệ thông tin.

Tổ hợp môn xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt ra sao?

Với việc đưa kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt thành phương án xét tuyển độc lập, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện điều chỉnh các môn xét tuyển phương thức này năm tới.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường dự kiến sử dụng điểm của 2 môn để xét tuyển mỗi ngành, trong đó một môn chính nhân hệ số 2 và một môn phụ không nhân hệ số, giúp đánh giá toàn diện năng lực học tập và sự phù hợp của thí sinh với yêu cầu của từng ngành học.

Ví dụ, với ngành sư phạm toán, môn toán là môn chính nên thí sinh sẽ phải bắt buộc chọn thi môn này. Đối với môn còn lại, thí sinh có thể chọn thi một trong các môn: lý hoặc hóa (ứng với tổ hợp khối A00) hoặc tiếng Anh (ứng với tổ hợp khối A01). Khi đó các tổ hợp môn để xét tuyển cho ngành sư phạm toán bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ gồm: toán – lý, toán - hóa, toán - tiếng Anh.

Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Cụ thể gồm: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT (10% chỉ tiêu); Ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10 - 20% chỉ tiêu); Xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt (40 - 50% chỉ tiêu 31 ngành sử dụng phương thức này); Xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (20 - 40% chỉ tiêu cho các ngành có sử dụng phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70 - 80% chỉ tiêu các ngành còn lại).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.