Sáng 6.7, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM) trao giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT cho Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Được thành lập từ năm 1976, trường ĐH này trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trước đó, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã được cấp chứng nhận đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT giai đoạn 2017-2022.
Sau quá trình đánh giá cơ sở giáo dục theo chu kỳ 2 được tiến hành từ năm 2022, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã có quyết định công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành.
Bên cạnh đó, trường cũng được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo bộ tiêu chuẩn ISO 9001:2015, chứng nhận kiểm định chất lượng AUN-QA đối với 6 chương trình đào tạo.
PGS-TS Lê Ngọc Quỳnh Lam, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết các hoạt động của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tương thích với 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí đánh giá. Kết quả này có được sau quá trình đoàn đánh giá ngoài nghiên cứu hồ sơ tự đánh giá, khảo sát cơ sở vật chất, quan sát, trao đổi và thảo luận với trên 200 đại diện lãnh đạo, giảng viên, nhân viên, người học, cựu người học và người sử dụng lao động.
PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết sẽ tiếp thu một cách nghiêm túc các góp ý, khuyến nghị để không ngừng hoàn thiện, cải tiến, nâng cao chất lượng nhằm phục vụ lợi ích của người học.
Chia sẻ thêm mục tiêu chiến lược về chất lượng giai đoạn tới, ông Trung cho biết nhà trường hướng đến 100% các chương trình đào tạo được kiểm định vào năm 2024, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA vào năm 2025, tiến tới tham gia các bảng xếp hạng ĐH có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Mục tiêu của Bộ GD-ĐT là tới năm 2025 là cả nước có ít nhất 35% chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất.
Trong nhiều quy định hiện nay, việc đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng là một trong các tiêu chí đánh giá quan trọng liên quan đến cơ sở giáo dục ĐH, như: xác định chỉ tiêu, xác định học phí…
Chẳng hạn, Nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo quy định các chương trình đào tạo đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế-kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.
Bình luận (0)