Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nên mở rộng phạm vi tuyển sinh

22/02/2017 18:51 GMT+7

Chiều 22.2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đến làm việc tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tại đây, ông Thăng nhấn mạnh trường cần bỏ ngay quy định chỉ tuyển học sinh có hộ khẩu tại TP.HCM...

Chảy máu chất xám vì thu nhập thấp
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tổng số cán bộ viên chức toàn trường tính đến cuối năm ngoái có 649 người. Tuy nhiên tỷ lệ cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp (chỉ 76 người chiếm tỷ lệ 18% trong tổng số 421 giảng viên). So với tỷ lệ quy chuẩn của ĐH Việt Nam ở mức 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên thì còn thiếu khá nhiều.
Trong khi đó, quy mô đào tạo của trường tăng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, quy mô năm 2015-2016 là 7.500 sinh viên, tăng 112,5% so với năm trước đó). Trong đó, riêng bậc ĐH tăng từ 5.700 lên trên 6.400, còn bậc sau ĐH cũng trên 1.000 học viên tính đến năm ngoái. Số học viên sau ĐH tăng rất nhanh để phục vụ đào tạo chuyên sâu và đào tạo lại, nhưng thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng lab.
Tỷ lệ sinh viên/giảng viên còn rất cao, nếu so với mức 15 sinh viên/1 giảng viên theo quy định thì còn rất thiếu. Dù vậy, thu nhập giảng viên hiện nay vẫn chưa đáp ứng được (mức lương cơ bản 3,7 triệu/người và tổng thu nhập trung bình 9 triệu/tháng). Điều này cũng gây nên hiện trạng phức tạp về chảy máu chất xám ở một bộ phận giảng viên giỏi có học vị cao do mức thu nhập trường có thể trả kém xa so với các đơn vị tư thục.
Cũng theo ông Xuân, trường đã được thực hiện thí điểm cơ chế viện-trường nhưng kinh phí không đủ để thực hiện. Vì vậy trường đề nghị thành phố sớm thống nhất chủ trương cho phép trường thực hiện tự chủ tài chính (phần chi thường xuyên) với lộ trình thích hợp. Trước đề xuất này, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ý kiến, trường nên mạnh dạn tự chủ toàn phần để chủ động đầu tư trang thiết bị, xã hội hóa và tăng thu nhập cho cán bộ giảng viên.
Đề xuất mở rộng phạm vi tuyển sinh cho Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch 1
Bí thư Đinh La Thăng tham quan phòng thực hành Ảnh: Trung Hiếu
“Không giải phóng xong mặt bằng cứ nhắn tin cho tôi”
Khó khăn lớn nhất được trường nêu ra là việc giải tỏa khu đất cho dự án cơ sở 2 của trường là Viện-trường Tân Kiên (Bình Chánh). Hiện tại chỉ còn 10 hộ dân chưa di dời nhưng chiếm hơn 40% diện tích đất dự án (12,65ha).
Ông nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng môi trường giảng dạy rất quan trọng. Trước khi để học trò tiếp xúc với bệnh nhân thì tay nghề giảng viên phải vững. Muốn vậy cần thiết có một môi trường mô phỏng thực hành tốt. Từ đó, ông Hiệp cho rằng trường cần đầu tư đúng mức về môi trường thực hành, đó phải là một bệnh viện siêu đặc biệt gồm tất cả các chuyên ngành mà thế giới đang có. Sự đầu tư cho bệnh viện trường ĐH phải gấp 1,5-2 lần so với bệnh viện bình thường.
“Trường ĐH cần có viện nghiên cứu tập trung, sự đầu tư này phải dài hạn. Nên chăng gộp các viện nhỏ thành viện lớn để đầu tư tập trung vì ở TP.HCM hiện có nhiều viện cục bộ đầu tư nhỏ lẻ”, ông Hiệp đề xuất.
Về hướng phát triển bệnh viện thực hành, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhận định, chất lượng môi trường giảng dạy các trường y nói chung của Việt Nam đến nay chưa thực sự đạt chuẩn. Riêng với dự án của trường này, tiền xây dựng bệnh viện đã có sẵn nhưng chưa giải phóng xong mặt bằng.
Trước vấn đề này, đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết sẽ tiến hành cưỡng chế trong tháng 3. “Cần tính đủ cho người dân trong giải phóng mặt bằng để hoàn thành trong tháng 3. Đến tháng 3 không giải phóng mặt bằng xong thì cứ nhắn tin cho tôi”, Bí thư Thăng nói.
Cần thay đổi quy định hộ khẩu ngay trong năm nay
Cũng trong buổi làm việc, Phó chủ tịch UNBD Nguyễn Thị Thu đề nghị trường có thể đề xuất mở rộng phạm vi tuyển sinh ra ngoài TP.HCM. Về vấn đề này, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh trường cần bỏ ngay quy định chỉ tuyển học sinh có hộ khẩu tại TP.HCM trong tuyển sinh đầu vào. Đồng thời trường không nên thực hiện bao cấp học phí tràn lan tất cả các đối tượng. Thay vào đó là cấp học bổng cho sinh viên nghèo, còn sinh viên giàu phải đóng học phí theo cơ chế giá thị trường. Như vậy mới đảm bảo chất lượng đầu vào cao hơn, nguồn thu tăng lên để tăng gấp đôi thu nhập cho cán bộ giảng viên.
Ông Thăng nói: “Hôm qua tôi mới gặp 1 kỹ sư vừa tốt nghiệp đã được trả lương 10 triệu đồng/tháng. Nhưng ở đây 1 sinh viên giỏi được giữ lại trường làm giảng viên chỉ hưởng lương cơ bản 3 triệu đồng/tháng là chưa được”.
Bà Nguyễn Thị Thu còn đề nghị: “Trường cần đặt vấn đề giáo dục y đức lên hàng đầu. Bởi trong thực tiễn có những bác sĩ trong giờ làm việc thì vội vàng để hết giờ về khám bệnh tại nhà, ra đơn thuốc để nuôi bệnh. Có những cán bộ chủ chốt của ngành y nhưng đạo đức của người trong nghề không có. Vì vậy tôi mong muốn ngay từ ghế nhà trường, trong giáo trình của trường cần có nội dung này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.