Vừa xây vừa chờ vốn
Năm 2011, tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở 2 Trường cao đẳng VH-NT Nghệ An tại xóm 16, xã Hưng Lộc, TP.Vinh (cách cơ sở 1 khoảng 500 m) trên diện tích gần 10.000 m2, vốn đầu tư xây dựng hơn 65 tỉ đồng.
Dự án này nhằm phục vụ cho lộ trình nâng cấp trường từ cao đẳng lên đại học. Theo đó, dự án do Trường cao đẳng VH-NT Nghệ An làm chủ đầu tư, gồm 2 gói thầu: nhà học chuyên ngành 5 tầng với tổng mức đầu tư hơn 19,2 tỉ đồng (phê duyệt năm 2011); và khu nhà ở sinh viên hơn 46,9 tỉ đồng (phê duyệt năm 2014). Thế nhưng, đến nay sau nhiều năm xây dựng, dự án vẫn dang dở, chưa thể đưa vào sử dụng.
Khu nhà ở cho sinh viên dang dở từ nhiều năm qua |
K.HOAN |
Ông Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng VH-NT Nghệ An, cho biết do nguồn vốn được bố trí quá nhỏ giọt nên các nhà thầu đã nhiều lần tạm dừng thi công công trình. Nhà trường cũng đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên các đơn vị liên quan để đốc thúc triển khai hoàn thiện các hạng mục nhưng do nguồn vốn giải ngân quá chậm khiến nhà thầu thi công gặp khó trong việc đảm bảo tiến độ xây dựng.
Ông Lê Vũ Anh cũng cho biết, nguồn vốn xây dựng dự án cơ sở 2 của trường sử dụng từ trái phiếu Chính phủ, nhưng sau đó do nguồn này bị dừng lại nên tỉnh Nghệ An gặp khó khăn trong bố trí vốn. Cũng vì xây dựng quá lâu, mục tiêu nâng thành trường đại học cũng không thành do Chính phủ sau đó không còn cho phép các trường cao đẳng nâng cấp lên đại học. Tuy nhiên, mục đích sử dụng các công trình này vẫn không thay đổi vì hiện nay, nhà trường đang rất cần phòng học và khu nhà ở cho sinh viên.
Trường “đắp chiếu” khi sinh viên thiếu phòng
Hiện nay, công trình nhà học chuyên ngành 5 tầng đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì chưa có thiết bị dạy học và chưa có vốn để xây khuôn viên trường. Riêng năm học này, Trường cao đẳng VH-NT Nghệ An đã tuyển sinh 350 sinh viên ở các hệ trung cấp và cao đẳng. Ông Anh cho biết sinh viên nhiều nên trường đang thiếu phòng học. “Đặc thù của việc dạy các môn nghệ thuật cần nhiều phòng học vì phải chia nhỏ sinh viên. Chúng tôi vừa họp Ban giám hiệu để tìm cách bố trí phòng học”, ông Anh than thở.
Không chỉ thiếu phòng học, đến nay ngôi trường 55 tuổi này vẫn chưa có một phòng ký túc xá nào dành cho sinh viên. Trong khi đó, khu nhà ở tại cơ sở 2 sau 8 năm khởi công vẫn đang bỏ dở, rêu mốc và dây leo bám chằng chịt. Gói thầu này đã được bố trí hơn 7 tỉ đồng và nhà thầu thi công cũng đã ứng tiền. “Khối lượng thi công tương đương với số tiền doanh nghiệp đã ứng. Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc, mời họ đến để bàn phương án thực hiện tiếp dự án nhưng họ không đến”, ông Anh cho biết.
Theo thiết kế, nhà ở cho sinh viên quy mô 5 tầng gồm 2 dãy nhà, hiện mới xây được 1 dãy nhưng xây đến tầng 3 thì bỏ dở từ nhiều năm qua. Theo ông Anh, doanh nghiệp không hợp tác, việc bố trí vốn cũng bị dừng lại nên công trình chưa biết khi nào mới tiếp tục và hoàn thành. Do không có chỗ ở nên nhà trường rất khó khăn trong việc tuyển sinh.
“Rất nhiều em ở các huyện muốn đến trường để học, nhưng không có ký túc xá nên các em rất ngại vì phải ở trọ bên ngoài. Một số trường phổ thông ở các huyện có đặt vấn đề mời chúng tôi đến mở lớp để dạy nhưng không thực hiện được vì việc mang nhạc cụ và thiết bị đến trường rất khó khăn. Mong muốn của nhà trường hiện nay là sớm được UBND tỉnh bố trí vốn để hoàn thiện các hạng mục còn dở dang và sớm đưa vào sử dụng các công trình này”, ông Anh nói.
Bình luận (0)